Sau hàng không, đến lượt đường sắt `cầu cứu` Nhà nước

15:09 | 23/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết đang gặp những tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, và đề nghị nhận được trợ giúp bằng vốn Nhà nước.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chính thức đề nghị được vay 800 tỷ đồng không lãi từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Lý do, theo tổng công ty này, bởi dịch Covid-19 hoành hành làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận, khiến nguồn vốn doanh nghiệp đang rơi dần vào trạng thái cạn kiệt. 

Được biểt, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nguy cơ VNR mất vốn chủ sở hữu, không đủ dòng tiền trả lương cho người lao động. Trong thời gian gần đây, một doanh nghiệp thành viên của VNR là CTCP đường Hà Hải đã tiết lộ trước báo chí rằng hiện công ty này đang phải vay ngân hàng và huy động nhiều nguồn vốn khác để trả lương cho người lao động. 

Ngành đường sắt đã có 1.169 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động và 136 người nghỉ không hưởng lương. Số người thất nghiệp chủ yếu đến từ các công ty vận tải có các đoàn tàu bị dừng hoạt động.

Sau hàng không, đến lượt đường sắt `cầu cứu` Nhà nước - ảnh 1

Doanh thu vận tải hàng hóa "gánh" ngành đường sắt

5 tháng vừa qua doanh thu vận tải hành khách của ngành đường sắt giảm mạnh. Tết Âm lịch và dịp 30/4 vốn là dịp ngành có doanh thu nhưng trên thực tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hành khách đã hoàn trả lại hơn 11.000 vé tàu có tổng trị giá gần 4 tỷ đồng. 

Chỉ tính riêng trong tháng 5, ngành đường sắt đã phải cho tạm dừng 393 đoàn tàu, trong đó 38 đoàn tàu Thống nhất. Có thời điểm trên cả nước chỉ còn một đôi tàu khách tuyến Bắc Nam hoạt động, các tuyến tàu địa phương coi như bị rơi vào trạng thái "chết lâm sàng". 

Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị gói vay vốn như trên cùng chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khó khăn trong ngành. 

Bên cạnh đó, VNR còn muốn giảm nhẹ nghĩa vụ đóng các loại thuế, phí như: phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm 2021; miễn, giảm và giãn hời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.

Đơn vị này cũng cho rằng việc cần làm ngay lúc này là tiêm phòng cho các công nhân có nguy cơ lây nhiễm. Nên VNR kiến nghị ưu tiên cho 6.000 lao động tuyến đầu được hưởng chương trình vaccine Covid-19. 

Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành tiếp tục giảm lần lượt 19% và 40% so với cùng kỳ các ngành 2020, 2019 bởi dịch bệnh. Lượng hành khách lên tàu chỉ đạt 64% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 400,6 tỷ đồng, sụt giảm 50% so với cùng thời điểm năm 2020. Mảng vận tải hàng hóa vớt vát lại phần nào khi tăng 26% so với cùng kỳ, đạt khối lượng vận chuyển 2,4 triệu tấn; doanh thu cũng tăng 21% với 713 tỷ đồng.

Còn cả năm 2020, lúc bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19 thì VNR đã ghi nhận số lỗ 1.324 tỷ đồng. Dịch bệnh kéo dài từ hè cho đến cuối năm làm cho ngành rơi vào cảnh "lao đao". 

Dịch Covid-19 đã khiến các ngành vận tải chuyên chở hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề. Mới đây các hiệp hội vận tải và Bộ GTVT cũng đã kiến nghị lên Chính phủ các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp. 

Ngành hàng không cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, Vietnam Airlines sắp rơi vào cảnh phá sản và trông chờ vào gói giải cứu 12.000 tỷ từ Nhà nước. Còn các hãng bay tư nhân sắp không còn nguồn tiền dự trữ và phải thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhận được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023.  

H.S

Xem thêm: Phát triển đường sắt có thể tái định hình hệ thống logistics quốc gia