SHB phát hành khối lượng trái phiếu khủng: Liệu có khả quan?

06:00 | 30/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) được nhắc đến là ngân hàng có khối lượng phát hành lớn với 1.400 tỷ đồng, trái phiều kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5-4,2%/năm.

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) dựa trên dữ liệu công bố đến ngày 06/09/2021 của HNX và SSC, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trong tháng 8, với tổng giá trị phát hành 10,854 tỷ đồng, chiếm 41.6% tổng giá phát hành.

Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) được nhắc đến là ngân hàng có khối lượng phát hành lớn với 1.400 tỷ đồng, trái phiều kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5-4,2%/năm.

Ngày 8/6 vừa qua, SHB cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 3,8%/năm. Ngoài SHB, còn phải kể đến Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 2.630 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) với 2.000 tỷ đồng.

Không khó để nhận ra các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Dù có mức lãi suất thấp hơn đáng kể so với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác (ví dụ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thường có lãi suất cao tới 12-13%/năm) nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn "đắt khách."

Lý giải về thực tế này, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết đa phần trái phiếu phát hành với kỳ hạn 2-4 năm có thể là tín hiệu của việc thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn tạm thời tại các ngân hàng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB).

Việc giãn, hoãn nợ thời gian qua theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, gây nên thiếu hụt vốn. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng mạnh phát hành trái phiếu để bù đắp.

"Mặt khác, phát hành trái phiếu còn đáp ứng nhu cầu tăng vốn bổ sung của các ngân hàng nhằm gia cố tỷ lệ an toàn vốn khi tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu," ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh thông tin phát hành trái phiếu, BCTC của SHB với mức lãi 6 tháng 2021 tăng 86,5% so với cùng kỳ, SHB do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT có những “nước cờ” tăng vốn khá táo bạo dành cho các cổ đông.

Theo BCTC, lũy kế 6 tháng đầu năm, SHB đạt 3.095 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.

Tổng tài sản của ngân hàng này đến hết 30/6 đạt 458.000 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm và hoàn thành 99,5% kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông đề ra.

Xét về tỷ trọng, mảng đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của SHB vẫn đến từ thế mạnh tín dụng. Dư nợ tính đến 30/6 đạt 323.000 tỉ đồng tăng 6,2% so với đầu năm. SHB cũng “hút” được nguồn vốn khá mạnh khi huy động được 418.000 tỉ đồng, tăng tới 12%.

Dù chủ động giảm lãi suất cho hàng chục nghìn khách hành trên doanh số 160.000 tỉ đồng, song thu nhập từ lãi của SHB trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 16.500 tỉ đồng, tăng 1.300 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Còn chi phí lãi khoảng 9.600 tỉ đồng, giảm 1.179 tỉ đồng nhờ những cải thiện tích cực trong cơ cấu huy động vốn và việc điều tiết chính sách lãi suất bám sát thị trường.

Ở chỉ số “phòng thủ” trong cơ cấu tạo ra lợi nhuận là CIR (chi phí hoạt động quản lý trên thu nhập thuần) khoảng 27,2%, giảm 7,5% so với năm 2020. Nguyên nhân là nhà băng này đã siết chặt chi phí trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, một chỉ số vẫn còn cần phải phân tích kỹ hơn đối với các rủi ro của SHB là nợ xấu. Tại ngày 30/6, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ của SHB được kiểm soát ở 1,87%, nhưng tỷ lệ nợ xấu hợp nhất lại chạm mức 2%, tăng so với năm 2020. Lý do được thuyết minh là do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại hai quốc gia Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.

Ngưỡng 2% vẫn thấp hơn 3% so với thông lệ của thế giới, song ở khía cạnh nào đó nó cũng cho thấy việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng lên thì đương nhiên cũng kèm theo các rủi ro của việc gia tăng nợ xấu.

Chủ tịch SHB là ai?

Chủ tịch SHB tên khai sinh là Đỗ Quang Hiển hay còn gọi là bầu Hiển, sinh năm 1962, tại Thái Bình, học khoa vật lý trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Trước khi trở thành doanh nhân hàng đầu Việt Nam, hơn ba mươi năm trước, điểm xuất phát sự nghiệp của ông Hiển công việc của một kỹ sư ngành vật lý vô tuyến, trường Đại học Tổng hợp - một lĩnh vực chuyên ngành tưởng như không mấy liên quan đến kinh doanh. Ngã rẽ bắt đầu từ năm 1993 khi ông quyết định từ bỏ công việc Nhà nước ra thành lập doanh nghiệp riêng: Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. T&T lúc bấy giờ chuyên buôn bán các mặt hàng như: điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông…

Đến những năm 1999 - 2000, nhận thấy tiềm năng rất lớn của thị trường xe máy, ông Hiển quyết định thành lập Công ty TNHH T&T Hưng Yên, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất các sản phẩm linh kiện, động cơ xe máy với quy mô lớn nhất Việt Nam, vốn đầu tư khi đó lên tới trên 300 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng loạt các dòng xe giá rẻ như Lifan, Hongda, Loncin tràn ngập thị trường và công ty này gặt hái thành công lớn.

Trước khi bầu Hiển chuyển hướng đầu tư vào SHB, tập đoàn T&T từng rơi vào khó khăn chồng chất. Năm 2006, sau khi đã khôi phục lại T&T thành công với mảng sản xuất linh kiện, ông Đỗ Quang Hiển đầu tư vào SHB (khi đó là Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái) và trở thành Chủ tịch ngân hàng.

Ông Đỗ Quang Hiển hiện đang làm Chủ tịch HĐQT của 7 công ty, trong đó ngân hàng SHB nằm trong top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống.

Thành công của SHB khởi đầu từ ngày 13/11/1993 khi cái tên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhơn Ái ra đời. Ban đầu, chỉ có 400 triệu đồng vốn điều lệ, 8 nhân viên nghiệp vụ, 2 điểm giao dịch với tổng tài sản 1 tỷ đồng. Đến nay, SHB là trường hợp thành công nhất trong loạt ngân hàng nông thôn chuyển đổi mô hình lên ngân hàng đô thị giai đoạn đó. Từ 400 triệu đồng vốn ban đầu, SHB nay nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam, với hơn 300.000 tỷ đồng tổng tài sản.

Cái tên Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội sau khi chủ tịch Đỗ Quang Hiển lên nắm quyền có hàm ý mục tiêu ban đầu là thiết lập sự hiện diện và kinh doanh xuyên suốt từ Bắc - Nam, có mặt ngay ở hai địa bàn quan trọng nhất, thị trường lớn cả nước là Hà Nội và TP.HCM ngay sau khi chuyển đổi lên ngân hàng đô thị.

Bước chuyển đổi của SHB thời gian đầu nằm trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán 2006 - 2007 nên đã có một bước đà thuận lợi. SHB có sự ủng hộ rất lớn từ các cổ đông để tăng vốn, gia tăng sức mạnh tài chính.

Chủ tịch Hiển đã hành động nhanh chóng, chuyển trụ sở chính từ Cần Thơ ra Hà Nội, niêm yết cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán để khẳng định tính minh bạch và tạo niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư.

Năm 2011 - 2012, hoạt động ngân hàng tại Việt Nam nóng bỏng vì lạm phát tăng cao và lãi suất leo thang, thanh khoản nhiều thành viên khó khăn, bộc lộ yếu kém... Chính trong bối cảnh đó SHB vẫn kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, đảm bảo tốt thanh khoản và kinh doanh hiệu quả. Bầu Hiển và SHB tiên phong là ngân hàng thương mại đầu tiên chủ động tham gia ngay sau khi Chính phủ ra chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Khi đó, SHB nhận thấy yêu cầu đẩy mạnh mở rộng mạng lưới nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ. Sát nhập ngân hàng khác là một bước chuyển mình, rút ngắn khoảng cách thời gian và tăng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó SHB đã sát nhập đồng thời tiến hành cải tổ lại một ngân hàng yếu kém nợ xấu cao là Habubank vào năm 2012 và nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vào năm 2016.

SHB cũng đóng vai trò là một trong những mạch máu chính lưu thông của dòng chảy tiền tệ quốc gia khi là ngân hàng đã đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, vận hành thành công hệ thống Corebank Intellect và hệ thống công nghệ thẻ mới Smart Vista. SHB trở thành một trong những ngân hàng cổ phần có nền tảng công nghệ thông tin hiện đại nhất, mở ra một kỷ nguyên mới về ngân hàng số với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, an toàn, bảo mật và hiệu quả cho khách hàng.

Năm 2019, SHB có quy mô tổng tài sản đạt 365 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; vốn huy động thị trường 1 đạt 289 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%; dư nợ cấp tín dụng đạt 266 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.026 tỷ đồng, tăng trưởng gần 45% so với năm 2018.

Bất chấp dịch COVID-19, tính đến cuối tháng 9/2010, tổng tài sản của SHB đạt 401,9 nghìn tỷ đồng, tăng tới 10% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 10,2%, lên mức 292,2 nghìn tỷ đồng trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 14,4%, lên 296,5 nghìn tỷ đồng. Dù nợ xấu có tăng nhưng nhờ phần lớn các mảng kinh doanh đều khởi sắc nên kết thúc quý III/2020, SHB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 947 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

 

Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu DN

Theo Bộ Tài chính, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, với tính chất rủi ro cao hơn nên TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…

Trước những rủi ro có thể gặp phải với nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng. Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo cần khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý.