Vì sao ông Nguyễn Văn Lê xin rời ghế Tổng giám đốc ngân hàng SHB?
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lê đã nộp đơn từ nhiệm vì lý do sức khỏe tại cuộc họp HĐQT SHB thường kỳ ngày 26/7/2021. Ban lãnh đạo của ngân hàng đã chấp thuận với đề xuất này, quyết định có hiệu lực từ ngày 4/8/2021.
Bên cạnh đó, quyết định của Hội đồng quản trị cũng nêu rõ: Ông Nguyễn Văn Lê chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật và SHB đối với các công việc đã thực hiện trong thời gian giữ chức vụ Tổng giám đốc SHB.
Tổ chức tín dụng này cho biết thêm sau khi ông Lê rời chức sẽ vẫn ở trong HĐQT tại ngân hàng. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa bổ nhiệm CEO mới, thay vào đó ông Võ Đức Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT đương nhiệm sẽ chịu trách nhiệm điều hành kể từ ngày 04/08/2021 cho tới khi có Quyết định khác thay thế.
Ông Nguyễn Văn Lê và chặng đường 23 gắn bó cùng ngân hàng SHB
Ngoài ông Võ Đức Tiến, ngân hàng SHB còn có 6 Phó TGĐ khác: Bà Ngô Thu Hà, bà Nịnh Thị Lan Phương, ông Lê Đăng Khoa, ông Nguyễn Huy Tài, bà Hoàng Thị Mai Thảo và ông Đỗ Đức Hải.
Về ông Nguyễn Văn Lê, ông sinh năm 1973, là tiến sĩ kinh tế của Học viện Ngân hàng. Ông đã từng hơn 26 năm làm quản lý điều hành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trước năm 1999, ông từng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thạnh Thắng, kiểm toán viên Công ty Kiểm toán AFC. Ông bắt đầu công tác tại SHB kể từ năm 1999, chỉ ngay trong 1 năm sau - tức năm 2000 thì ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc của tổ chức tín dụng này.
Phó Chủ tịch HĐQT SHB - ông Võ Đức Tiến được HĐQT SHB giao phụ trách điều hành trong thời gian chờ bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.
Ông Lê từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN; giải thưởng nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà lãnh đạo giỏi với những đóng góp lớn cho sự phát triển của SHB. Trong 23 năm ông Lê đồng hành thì ngân hàng đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, bước qua nhiều giai đoạn phát triển và chuyển mình mạnh mẽ. Đáng chú ý phải kể đến thương vụ nhận sáp nhập thành công Habubank trở thành thương vụ điển hình thành công trong đề án tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng, sáp nhập công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel…
Hiện mục tiêu của SHB là đang phấn đấu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ vào năm 2025, và tầm nhìn tới năm 2030 trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại top đầu khu vực.
Tính đến hết ngày 30/6/2021, SHB ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 458 nghìn tỷ đồng và vốn điều lệ hiện nay ở mức hơn 9.260 tỷ đồng. Vốn tự có đạt 40.425 tỷ đồng. SHB là tổ chức tín dụng có quy mô lớn với hơn 8.500 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 537 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Về kết quả kinh doanh bán niên 2021, SHB đã hoàn thành 50% chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế khi đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ.
H.S
Xem thêm: Bộ Công Thương cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng