Số lượng doanh nhân tư nhân tăng trưởng tốt nhưng chất lượng chưa đột phá
Tại một số diễn đàn, hội thảo về thúc đẩy kinh tế tư nhân thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng: số lượng doanh nhân tư nhân tăng trưởng tốt nhưng chất lượng chưa đột phá…
Đối mặt nhiều rào cản, khả năng trụ vững thấp
Hội thảo quốc tế “Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” do Trường ĐH Tài chính- Maketing tổ chức ngày 10/12/2020 vừa bàn sâu về doanh nghiệp tư nhân, cả về mặt cơ hội, sự phát triển và những khó khăn đang phải đối mặt.
Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với nhiều rào cản
Tại đây, TS. Hoàng Đức Long- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing chia sẻ: Theo chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, nước ta phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 55% GDP (năm 2025); 60 - 65% GDP (năm 2030) và 65 - 70% GDP (năm 2040).
Khu vực vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, kinh tế tư nhân đã mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
Cụ thể, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP).
Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhằm thảo luận chuyên sâu về:“Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021-2030”.
TS. Nguyễn Thị Luyến – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ rõ: Trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức 1 tỉ USD tính đến ngày 17.7.2020 thì có 13 mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tư nhân (chiếm đến 41,98% tổng vốn hóa của cả nhóm 30 mã).
Doanh nghiệp tư nhân đã và đang tham gia đầu tư xây dựng các công trình lớn, thay đổi diện mạo đất nước. Đặc biệt, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã và đang góp phần làm mới “chân dung” đất nước như Sungroup với sân bay Vân Đồn, Vingroup với Vinfast, THACO,…
"Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi” – TS. Nguyễn Thị Luyến nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã thực hiện nhiều công trình lớn, phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt làm thay đổi bộ mặt hạ tầng như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng...
Đặc biệt, có những doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài với quy mô vốn ngày càng tăng. Theo báo cáo đầu tư ra nước ngoài năm 2019, có 2 doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài với vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty cổ phần Golf Long Thành. Bên cạnh đó, số lượng dự án quy mô vừa và nhỏ tăng dần.
Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự diễn đàn, hội thảo thời gian gần đây đều thừa nhận kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng.
Trên thực tế, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp: Sự gia tăng số lượng của doanh nghiệp tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển.
Khu vực kinh tế tư nhân đang bị phân cực, với 97% doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 70% số doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới năm tỉ đồng). Các doanh nghiệp có quy mô trung bình còn ít gây khó cho tích lũy vốn và công nghệ, cải thiện chuyên môn hóa, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; cũng như tạo chuỗi liên kết giá trị lan tỏa, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.
Khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, nhiều bất cập; chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa thực chất trên một số lĩnh vực cũng như năng lực nội tại chưa cao của chính khu vực này.
Đa số các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn và hạn chế về điều kiện đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, về nguồn vốn và tín dụng, về năng lực đổi mới và cơ hội tiếp thụ khoa học công nghệ, về thông tin và thị trường, về đăng ký thương hiệu, bản quyền và bảo đảm chất lượng hàng hóa, cũng như về áp lực tâm lý xã hội và thủ tục quản lý nhà nước.
Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều doanh nghiệp; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít doanh nghiệp tư nhân, ở một số ít lĩnh vực khiến sự phát triển của khối kinh tế tư nhân chưa đồng bộ.
Những bất cập này càng khiến cho khu vực kinh tế tư nhân đã nhỏ lại kém phát triển. Ngoài ra năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, mới chỉ ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, tạo kiểu dáng, marketing... phần lớn được thực hiện bởi đối tác nước ngoài.
Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều doanh nghiệp; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít doanh nghiệp tư nhân, ở một số ít lĩnh vực. Do trình độ công nghệ thấp, các doanh nghiệp tư nhân không có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, nhất là không thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI đang tăng trưởng nhanh.
Cần tháo gỡ chính sách tầm vĩ mô
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Nhà nước cần có các chính sách để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh theo pháp luật
TS Nguyễn Minh Phong, Trường ĐH Tài chính Quản trị kinh doanh cho rằng: Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập, bức xúc đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong thực tiễn.
Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với kinh tế tư nhân bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế.
“Chúng ta cần thực sự đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đối với kinh tế tư nhân. Song song đó là kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.
Để từ đó tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; xây dựng một số thương hiệu chủ lực quốc gia và địa phương”, ông Phong nói.
Minh Hoa