Số phận đồng euro phụ thuộc vào thị trường năng lượng

Minh Hằng (Theo Reuters) 11:32 | 15/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc giá trị đồng euro giảm xuống dưới 1 USD lần đầu tiên sau 20 năm khiến đồng tiền này có thể ghi nhận một năm giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử, đặc biệt nếu cú sốc giá năng lượng, do căng thẳng Nga - Ukraine gây ra, đẩy khối này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Đồng tiền chung châu Âu đã giao dịch ngang giá với đồng bạc xanh trong nhiều ngày qua, và đã phá ngưỡng 1 USD trong phiên 13/7. Mức giảm 11,8% cho đến nay của đồng euro gần ngang bằng với mức giảm ghi nhận được năm 2015, thời điểm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra các biện pháp kích thích lớn.

Các nhà phân tích dự đoán đà giảm trong phiên 13/7 có thể mở đường cho việc đồng euro tiến tới mức 1 euro đổi 0,96 USD. Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán mức 1 euro đổi 0,90 USD nếu nguồn cung khí đốt cho châu Âu tiếp tục bị gián đoạn hơn nữa.

Tình hình này đặt ECB vào tình huống khó xử. Tại cuộc họp diễn ra vào tuần tới, ECB có thể tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011 để đối phó với lạm phát đang ở mức cao kỷ lục 8,6%. Sự suy yếu của đồng euro làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, ECB không thể mạo hiểm thắt chặt chính sách mạnh mẽ do lo sợ đẩy tăng trưởng kinh tế đi ngược hướng.

Đà mất giá mới nhất của đồng euro diễn ra sau khi đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) của Nga đóng cửa trong 10 ngày để bảo dưỡng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt. Nếu Nga kéo dài thời gian ngừng hoạt động, Đức, vốn đã ở giai đoạn hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba cấp, có thể buộc phải phân bổ lại nhiên liệu.

Các phân tích của ngân hàng BNP Paribas về cách các đồng tiền đã hoạt động trong lịch sử khi giá năng lượng tăng cao, cho thấy đồng euro phải chịu thiệt hại nhiều hơn so với các đồng tiền của các nước phát triển khác, giảm trung bình 4,5% trong thời gian giá năng lượng tăng cao.

Ngân hàng JPMorgan lưu ý rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã phải đối mặt với sự tăng vọt của giá khí đốt theo kiểu "parabol", khi nguồn cung giảm 53% trong tháng 6/2022. Cường quốc công nghiệp Đức đã chứng kiến nguồn cung giảm 60%.

JPMorgan cho biết trường hợp xấu nhất đồng euro có thể trải nghiệm mức 1 euro đổi 0,90 USD, đồng thời viện dẫn dự báo của Bundesbank rằng GDP Đức sẽ giảm 6% trong năm đầu tiên nếu nguồn cung ngừng hoàn toàn.

Trong khi đó, nhà phân tích Jordan Rochester của Ngân hàng Nomura cho rằng đồng euro có thể giảm xuống 0,95 USD vào cuối tháng 8/2022. Tuy nhiên, trong trường hợp các kho chứa khí đốt không được bổ sung vào mùa đông, nó có thể trượt xuống 0,90 USD.

Tương tự, các nhà phân tích của Citi dự đoán việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga sẽ khiến giá khí đốt tăng cao hơn mức hiện tại khoảng 170 euro mỗi megawatt giờ.

Về lý thuyết, ECB có thể can thiệp bằng cách bán đồng USD để hỗ trợ đồng euro như đã từng xảy ra vào năm 2000, khi đồng tiền này giảm xuống còn khoảng 0,83 USD.

Tuy nhiên, ECB đã đánh tín hiệu rằng ngân hàng này có thể sẽ không can thiệp trong thời điểm này, vì tỷ giá hối đoái "thực" của đồng euro - so với tiền tệ của các đối tác thương mại và được điều chỉnh theo lạm phát - cao hơn nhiều so với mức ghi nhận được trong năm 2002, thời điểm gần nhất đồng euro và USD giao dịch ngang nhau.