Đồng euro phục hồi sau khi để 'thủng' mức ngang giá với đồng USD
Giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Số liệu này khiến giới giao dịch gia tăng dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng này. Mức nâng lãi suất thêm ít nhất 75 điểm cơ bản được xem là gần như chắc chắn.
Sau khi số liệu này được công bố, đồng euro đã có thời điểm giảm xuống mức 0,9998 USD đổi 1 euro, đánh dấu lần đầu tiên đồng tiền này để “thủng” mốc 1 USD kể từ tháng 12/2012. Nhưng sau đó, đồng euro đã nhanh chóng phục hồi về mức 1,0061 USD đổi 1 euro. Đồng tiền này được cho là có ngưỡng hỗ trợ ở vùng ngang giá với đồng USD.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2002 là 108,59 điểm trong phiên này, trước khi giảm trở lại về mức 107,95 điểm.
Đồng euro đang chịu áp lực giảm giá khi châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Những lo ngại về triển vọng của châu Âu đã gia tăng kể từ khi đường ống vận chuyển khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức là Nord Stream 1 bước vào thời kỳ bảo dưỡng thường niên từ đầu tuần này. Chính phủ các nước, thị trường, cũng như các công ty lo ngại rằng việc ngừng hoạt động của đường ống này có thể bị kéo dài vì xung đột tại Ukraine.
Sự suy yếu của đồng euro có thể sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng này của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Một phát ngôn viên của ECB cho biết ngân hàng này đang theo dõi diễn biến của đồng euro vì tác động của nó với lạm phát, nhưng sẽ không đặt ra một mức mục tiêu cụ thể nào với đồng tiền này.