SoftBank bán công ty chip ARM cho Nvidia với giá 40 tỷ USD

12:55 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của ngành chip sẽ trao cho Nvidia quyền kiểm soát một số công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất trong các thiết bị điện tử.

TTXVN đưa tin từ The Reuters, Tập đoàn sản xuất bộ xử lý đồ họa Nvidia Corp đã gần đạt được thỏa thuận mua công ty thiết kế chip từ tập đoàn viễn thông SoftBank Group Corp của Nhật Bản với giá hơn 40 tỷ USD. 

Hãng tin Reuters đưa tin, thương vụ này nếu thành công sẽ tạo ra một "người khổng lồ" đáng gờm trong ngành công nghiệp chip thế giới.

Thỏa thuận này có thể được công bố vào đầu tuần tới. Nvidia, có trụ sở tại California, Mỹ vốn xuất phát là công ty sản xuất chip đồ họa được sử dụng trong thiết bị trò chơi điện tử, sau đó hãng đã phát triển mạnh trên các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo, ô tô tự lái và trung tâm dữ liệu.

SoftBank bán công ty chip ARM cho Nvidia với giá 40 tỷ USD - ảnh 1 

 SoftBank bán công ty chip ARM cho Nvidia với giá 40 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Công ty ARM cung cấp công nghệ chip cho hầu hết các thiết bị di động như điện thoại và máy tính bảng nhưng cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh như cung cấp các bộ xử lý cho ô tô, dịch vụ trung tâm dữ liệu và các thiết bị khác.

Tin trên báo Tổ Quốc, trước đó, vào năm 2016, SoftBank từng bỏ ra 31,4 tỷ USD để thâu tóm ARM và đó cũng là thương vụ lớn nhất trong ngành chip tính đến thời điểm đó. Sau khi Nvidia thâu tóm ARM, SoftBank sẽ sở hữu chưa đến 10% cổ phần của Nvidia.

Để hoàn tất, thương vụ sẽ cần phải được cơ quan quản lý thông qua. Quá trình này có thể kéo dài đến 18 tháng và cũng cần phải được sự đồng ý của chính phủ Anh, Trung Quốc, EU và Mỹ.

Trong một động thái nhằm xoa dịu các khách hàng quyền lực của ARM và những lo ngại ở phía cơ quan quản lý, Nvidia cho biết ARM sẽ "tiếp tục hoạt động theo mô hình cấp phép mở (open-licensing) cũng như thái độ trung lập đối với khách hàng toàn cầu – những nền tảng đã tạo nên thành công của hãng chip đến từ nước Anh.

Ông Jensen Huang, CEO của Nvidia, cho biết, ông rất yêu thích mô hình kinh doanh của ARM và muốn mở rộng tệp khách hàng vốn đang rất rộng của Arm. Về lo ngại thỏa thuận sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa ARM với các khách hàng như Apple, Huang khẳng định, Nvidia đã bỏ ra rất nhiều tiền cho thương vụ này và sẽ không dại dột làm điều gì đó để đuổi khách hàng đi.

Dưới thời Huang, Nvidia đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá trị vốn hóa và tầm ảnh hưởng trong giới công nghệ. Vốn đã thống trị thị trường chip đồ họa – thứ làm cho các video game trở nên chân thực hơn, gần đây Nvidia đang lấn sân sang cả mảng chip sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và xe tự hành.

Trong khi đó thứ quan trọng nhất ở ARM không phải là doanh thu (chủ yếu đến từ bán bản quyền chip và các thiết kế chip). Công nghệ của ARM chính là "trái tim" của hơn 1 tỷ chiếc smartphone được bán ra hàng năm. Chip sử dụng công nghệ của ARM được sử dụng trong gần như mọi thứ, từ các thiết bị trong nhà máy đến đồ điện tử gia dụng.

SoftBank hiện đang nỗ lực mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ Internet vạn vật (IoT) - mạng lưới kết nối Internet tất cả các thiết bị, từ tín hiệu giao thông đến các vật dụng gia đình như tủ lạnh.

Lệ Vỹ

Xem thêm: SoftBank đầu tư hơn 564 triệu USD vào start-up bán ô tô cũ qua Internet