Tỷ phú Masayoshi Son - Nhà đầu tư liều lĩnh nhất mọi thời đại
Masayoshi Son là nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO SoftBank. Ông năm nay 65 tuổi, là một trong những nhà đầu tư quyền lực nhất trong giới công nghệ. Hiện ông sở hữu khối tài sản 15.9 tỷ USD, là tỷ phú giàu thứ ba Nhật Bản.
Vào cuối những năm 1999, có thời điểm Masayoshi Son là người giàu nhất thế giới. Massayoshi Son được truyền thông gọi với biệt danh Bill Gates của Nhật Bản.
Nổi tiếng với chiến lược đầu tư “liều ăn nhiều”, ông là nhân tố đứng đằng sau thành công của nhiều startup công nghệ đình đám. Chiến lược đầu tư mạo hiểm mang về cho ông không ít thành công lẫn trái đắng. Hong Liang Lu, một người bạn lâu năm mô tả Son là “kẻ đánh bạc có giấc mơ”.
“Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình không nên hài lòng với việc làm một con người bình thường và rằng tôi là một thiên tài”, Masayoshi Son nói. Cuộc đời và sự nghiệp của vị tỷ phú Nhật Bản này chính là minh chứng cho điều đó.
Từ tuổi thơ đi nhặt thức ăn thừa đến ông chủ đế chế công nghệ SoftBank
Masayoshi Son sinh năm 1957 ở Tosu, một thành phố nông nghiệp ở phía đông của tỉnh Saga trên đảo Kyushu, Nhật Bản. Son trải qua tuổi thơ vất vả và chật vật. Ông nội Son làm thợ mỏ, trong khi cha ông làm nghề buôn bán cá và nuôi lợn. Khi còn nhỏ, nhà Son nghèo đến mức có lúc phải sống với đàn lợn và đàn cừu. Son từng đẩy chiếc xe gỗ đi khắp khố để thu lượm thức ăn mà người ta bỏ cho lợn.
Năm 16 tuổi, cậu bé Masayoshi Son ước mơ được gặp Chủ tịch McDonald Nhật Bản - ông Den Fujita, người mà Son rất ngưỡng mộ. Sau nhiều lần bị từ chối, Son đến Tokyo và có mặt tại văn phòng McDonald. Trong 15 phút gặp mặt, Masayoshi Son đã hỏi Chủ tịch Fujita rằng nên theo đuổi ngành nào. Chủ tịch Fujita nói: “Hãy nhìn vào ngành công nghiệp của tương lai. Đó là khoa học máy tính. ” Sau cuộc gặp với chủ tịch Den Fujita. Nghe theo lời khuyên của ông, Son bắt đầu học tiếng Anh và khoa học máy tính.
Năm 1974, Masayoshi Son, khi ấy 16 tuổi, từ Nhật Bản chuyển đến California và hoàn thành trung học trong ba tuần. Son tiếp tục theo học chuyên ngành kỹ thuật tại Đại học Berkeley. Từ khi còn là sinh viên, Masayoshi Son đã cho thấy tố chất của một nhà kinh doanh với máu “liều ăn nhiều”. Son mục tiêu sẽ khởi nghiệp thành công trước năm 30 tuổi. Không lâu sau, ông nhận thấy có thể kiếm bộn tiền từ máy tính, nên tự ra một mục tiêu khắc nghiệt là mỗi ngày cho ra một ý tưởng kinh doanh mới. Đến cuối năm, ông có trong đầu 250 ý tưởng.
Vào năm 1978, tại Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ ở trường Berkeley, Son nói về ý tưởng sẽ sáng chế một máy dịch ngoại ngữ. Với sự giúp đỡ của một số giáo sư, Son đã tạo ra một máy phiên dịch điện tử. Sau đó, Son mang máy dịch bán cho Sharp Corporation với giá 1,7 triệu USD. Ông kiếm thêm 1,5 triệu USD bằng cách nhập khẩu các máy trò chơi điện tử đã qua sử dụng từ Nhật Bản, theo hình thức tín dụng và lắp đặt chúng trong các ký túc xá và nhà hàng.
Năm 1981, Son rời Mỹ về Nhật Bản. Điều Son luôn trăn trở khi rời Mỹ về quê hương là: "Liệu tôi có cống hiến hết trái tim và tâm hồn của mình cho nó trong 50 năm tiếp theo?".
Trong một căn nhà gỗ hai tầng đã xuống cấp tại Fukuoka, Son thành lập một cửa hàng phân phối máy tính Nihon SoftBank, tiền thân của SoftBank, với chỉ vỏn vẹn 2 nhân viên.
Một hôm, Son gọi hai nhân viên lại nói chuyện: “ Sau 5 năm nữa, doanh số bán hàng công ty ta sẽ là hàng tỷ yen, cung cấp hàng cho hàng nghìn đại lý. Chúng ta sẽ trở thành nhà cung cấp phần mềm số 1”. Sau khi nghe Son tuyên bố chắc nịch, hai nhân viên đã xin nghỉ vì nghĩ sếp… bị khùng. Khó khăn chồng chất, Son vẫn xoay xở bằng mọi cách để có được các hợp đồng.Tận dụng được cơn sốt tiêu dùng máy tính, công ty Son đã nhanh chóng trở thành nhà phân phối phần mềm và máy tính cá nhân lớn. Đến năm tháng 7/1994, SoftBank chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và được định giá đến 3 tỷ USD.
Nhà đầu tư liều lĩnh nhất mọi thời đại
Chỉ trong vài năm sau, Son dấn thân vào nhiều dự án ở các lĩnh vực khác nhau từ thiết bị truyền dẫn điện thoại, xuất bản tạp chí, đến dịch vụ Internet băng thông rộng, đầu tư vào một loạt các công ty từ Yahoo! cho đến TV Asahi, Aozora Bank và Nasdaq Japan.
Năm 1995, Son gặp hai nhà đồng sáng lập Yahoo là Jerry Yang và David Filo. Sau cuộc gặp, Son quyết định “đặt cược tất cả mọi thứ vào bọn họ”, SoftBank rót vốn 2 triệu USD vào Yahoo, một trong những công ty ấn tượng nhất Silicon Valley vào thời điểm đó. Yahoo về sau trở thành một trong những trang nội dung có lượng truy cập lớn nhất của Mỹ. Yahoo! Japan đã ra đời và sau này trở thành cổng thông tin Internet lớn nhất Nhật Bản.
Năm 2000, sau cuộc gặp mặt 5 phút với Jack Ma, Son đã quyết định đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba - lúc đó chỉ là một cổng điện tử nhỏ kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua ở nước ngoài. Thương vụ đầu tư liều lĩnh hái quả ngọt khi Jack Ma đưa Alibaba IPO tại New York vào năm 2014, giúp số cổ phần tại Alibaba của ông Son cán mốc 50 tỷ USD. Hàng loạt thương vụ liều lĩnh khác cũng được Son mạnh tay chi tiền. Năm 2006, Sofbank mua lại công ty Vodafone Nhật Bản đang thoi thóp với giá 15 tỷ USD. Năm 2013, SoftBank tiếp tục bỏ ra 22 tỷ USD để thâu tóm nhà mạng lớn thứ 3 tại Mỹ Sprint Nextel. SoftBank đã mua lại công ty chíp ARM Holdings của Anh với mức giá kỷ lục 32 tỷ USD, chưa đầy một tháng sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit).
Theo tính toán của WSJ, tới thời điểm năm 2001, Masayoshi Son đã đổ tiền vào khoảng 600 startup. Một giám đốc tài chính của SoftBank lo ngại “chiếc xe đạp sẽ té ngã nếu bạn ngừng đạp” trước việc Masayoshi Son luôn “hào phóng” rót lượng tiền khổng lồ vào các lĩnh vực kinh doanh mới. Son phản bác lại: “Vậy thì hãy đạp mạnh hơn”."Tôi thích sự mạo hiểm trong kinh doanh. Tất nhiên, việc trải qua khủng hoảng hay chiến đấu với đối thủ không hề đơn giản nhưng đó là khi tôi cảm thấy cuộc sống này đáng sống", tỷ phú Masayoshi Son bày tỏ.
Năm 2017, Masayoshi Son thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm Vission Fund quy mô 100 tỷ USD. Việc ra đời của quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất trong lịch sử đầu tư start up càng chứng tỏ vị thế “bố già” của Son trong làng công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm 100 tỷ USD do SoftBank Group điều hành đặt mục tiêu đầu tư vào các “kỳ lân” - công ty tư nhân có định giá trên 1 tỷ USD. Vision Fund đã đầu tư vào hơn 100 công ty, bao gồm công ty chia sẻ xe Grab, nhà lãnh đạo thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang và Paytm của Ấn Độ.
Sau 2 năm kể từ khi thành lập, Vision Fund giải ngân 75 tỷ USD với 88 khoản đầu tư khác nhau. “Chúng ta chỉ sống một lần trên đời, nên tôi muốn nghĩ lớn”, ông Son nói. “Tôi không hề có ý định đặt cược quy mô nhỏ”.
Nếm trái đắng từ những khoản đầu tư tệ hại
Phương châm “làm liều ăn nhiều” cũng không ít lần khiến Masayoshi Son lao đao. Son từng đầu tư 18,5 tỷ vào WeWork chỉ sau 15 phút gặp mặt với người sáng lập Adam Neumann. SoftBank chịu thiệt hại nặng khi startup này sụp đổ. "Chúng tôi đã thất bại khi đầu tư vào WeWork và tôi thừa nhận rằng có lúc tôi thật dại dột", ông Son nói. Giá trị của WeWork chỉ còn 2,9 tỷ USD tính tới ngày 31/3/2020, giảm từ 7,3 tỷ USD vào 31/12/2019 và thấp hơn rất nhiều so với mức định giá ở thời điểm đỉnh cao của startup này lên tới 47 tỷ USD.
Trước thương vụ WeWork, tỷ phú Masayoshi Son cũng trải qua không ít thăng trầm. Năm 2014, SoftBank thất bại trong việc sáp nhập công ty Sprint với T-Mobile của Mỹ. Thương vụ “mua hụt” này khiến Sprint chịu khoản phạt 4 tỷ USD cho T-Mobile. Tài sản của Son bốc hơi 1,3 tỷ USD.
Thời bong bóng dot.com bùng nổ, Son mất 70 tỷ USD (99% tài sản) chỉ trong một ngày. Những thất bại trên chưa bao giờ khiến nhà sáng lập SoftBank nhụt chí.
Softbank giữa “cơn bão mùa đông” - liệu đế chế tỷ USD của Masayoshi Son sẽ chìm nghỉm?
2021 là một năm tồi tệ của Masayoshi Son và Softbank. Cùng với đà lao dốc của một loạt cổ phiếu công nghệ từ gã khổng lồ internet Trung Quốc Alibaba đến DoorDash, dịch vụ giao đồ ăn, tài sản của ông Masayoshi Son cũng sụt mạnh và “bốc hơi” 25 tỷ USD. Hồi tháng 2, Masayoshi Son cho biết SoftBank đang ở "giữa cơn bão mùa đông".
Phần lớn sự sụt giảm 30% của giá cổ phiếu SoftBank trong năm 2021 đến từ các chính sách mạnh tay của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ. Tờ Forbes nhận xét, những chính sách này sẽ còn tác động tới các kênh đầu tư của tỷ phú Nhật Bản trong năm tới. "Xét cho cùng Trung Quốc dường như vẫn còn phải làm rất nhiều việc để kiểm soát được lĩnh vực công nghệ, bất động sản, giáo dục và các lĩnh vực khác. Chúng ta cũng không thể dự báo trước được Bắc Kinh sẽ làm gì tiếp theo", Forbes viết. Cùng với đó, căng thẳng Nga - Ukraine, lạm phát đã khiến các khoản đầu tư của tỷ phú Masayoshi Son trở nên bấp bênh.
Năm 2021, sự sụt giảm của những khoản đầu tư sau khi niêm yết như Coupang và Didi Global khiến Vision Fund báo lỗ kỷ lục trong quý III. Trong quý III, quỹ đầu tư của tỷ phú Masayoshi Son báo lỗ 825,1 tỷ yen (tương đương 7,3 tỷ USD), vượt quá khoản lỗ 788,6 tỷ yen mà doanh nghiệp đã ghi nhận trong bối cảnh đại dịch hoành hành trước đó.
Về ngắn hạn, những thông tin tiêu cực ở thị trường Trung Quốc là khó khăn lớn nhất mà tỷ phú Masayoshi Son phải vượt qua. Quỹ Vision đang được đa dạng hoá đầu tư trên toàn cầu, triển khai ở nhiều quốc gia hơn như Brazil, Columbia, Ấn Độ, Đức, Indonesia, Kenya, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan, Anh, Mỹ và các nơi khác. Theo Asian Nikkei Review, quỹ đầu tư của tỷ phú Son Masayoshi sẽ chú trọng vào các khoản đầu tư nhỏ nhưng thu được nhiều lợi nhuận hơn so với những màn đặt cược khổng lồ nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro thất bại.
Ông Masayoshi Son, vẫn lạc quan rằng “cơn bão mùa đông” này rồi sẽ qua nhanh. “Mùa xuân sẽ đến và việc của chúng tôi là gieo trồng những hạt giống cho tương lai. Chúng sẽ nhanh chóng nảy nở và đâm hoa kết trái”, Son khẳng định.