Soichiro Honda: Thiên tài không bằng cấp và nhà sáng lập huyền thoại của đế chế Honda
Sự khởi đầu của 1 huyền thoại
Soichiro Honda sinh ngày 17 tháng 11 năm 1906 tại làng Komya, quận Iawata, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Ông là con trai cả trong 1 gia đình có 9 anh chị em. Cha của Honda là ông Gihei, một người thợ rèn và Mẹ ông là Mika, là một cô thợ dệt.
Khi còn nhỏ gia đình ông tương đối nghèo nhưng tuổi thơ của ông là những tháng ngày tương đối hạnh phúc. Khi cha mẹ ông đã dạy dỗ con mình về tính kỷ luật và ý thức tôn trọng người khác, cũng như đề cao danh dự của bản thân. Nhờ vào sự dạy dỗ đó, Honda đã trở thành 1 con người không bao giờ thích làm phiền người khác và luôn coi trọng sự đúng giờ. Ông cũng thừa hưởng sự khéo léo và ham học hỏi của cha mình đối với máy móc.
Ngay từ khi còn nhỏ, Honda đã không mấy quan tâm đến việc học, vì thế mà kết quả học tập của ông không không mấy sáng sủa. Thời điểm đó, trường của Honda thường xuyên gửi kết quả học tập về cho phụ huynh thông qua sổ liên lạc, để tránh bị cha mẹ phát hiện kết quả học tập kém của mình, Honda đã làm 1 con dấu giả bằng chiếc Pedal cao su của xe đạp để đóng vào sổ liên lạc sau đó nộp lại cho nhà trường. Vụ việc sau đó bị thầy giáo phát hiện và bố mẹ Honda đã đánh đòn và phạt ông rất nặng về việc này. Tuy nhiên, đó lại được coi là một tia sáng thể hiện sự thông minh, sáng tạo của một thiên tài.
Ngay từ khi mới chập chững biết đi, Honda đã bị mê hoặc bởi những chiếc ô tô. Sau này ông nhớ lại rằng ông không bao giờ quên được mùi dầu bốc ra từ chiếc xe đầu tiên mà ông từng thấy ở làng mình. ông thậm chí đã từng mượn một chiếc xe đạp của cha mình đạp xe hơn 20km để xem màn trình diễn máy bay do phi công Art Smith thể hiện, điều này càng củng cố thêm tình yêu của ông đối với máy móc và phát minh.
Khi học xong trung học vào năm 1922 thì Soichiro Honda nghỉ học, khi ấy ông mong muốn sẽ được làm việc trong một xưởng cơ khí thực sự, cùng lúc đó ông tình cờ đọc được một quảng cáo cần tuyển thợ cho một công ty dịch vụ ô tô Tokyo Art Shokai. Honda nhận thấy rằng công ty này đã đăng khá nhiều quảng cáo trên các tạp chí ô tô và xe đạp. Soichiro lý luận rằng Art Shokia phải là một trong những xưởng sửa chữa ô tô hàng đầu của Tokyo và chắc hẳn sẽ có nhiều thanh niên mong muốn được làm việc và học nghề ở đây. Với suy nghĩ đó, Honda đã quyết định rằng ông phải làm việc cho hãng ô tô này càng sớm càng tốt.
Và vì vậy, ở tuổi 16, ông quyết định rời nhà và đến Tokyo để làm việc trong một xưởng sửa xe của Art Shokai ở khu Yushima, Hongo, Tokyo vào năm 1922. Khi làm việc ở đây, ông chỉ được hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở và tiền tiêu vặt chứ không được nhận lương chính thức.
Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi và niềm đam mê với cơ khí, Honda đã làm việc một cách hăng say, ông chủ của Art Shokai là Yuzo Sakakibara đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của Honda. Vì vậy, mỗi ngày, ông chủ đề nghị Soichiro Honda lấy một số bộ phận máy bay và cố gắng chế tạo một chiếc xe đua.
Chế tạo một chiếc ô tô là ước mơ lớn nhất của Soichiro Honda. Ðó chính xác là lý do tại sao, khi sếp của ông đề xuất ý tưởng, ông đã không do dự dù chỉ một giây. Kết hợp kỹ thuật thủ công và công nghiệp, ông đã tạo ra được mô hình đầu tiên. ông cũng tự làm hầu hết các bộ phận và tự tay khắc các nan hoa trong bánh xe bằng gỗ.
Ðây là cách mô hình "Curtiss" ra đời. Ðó là một chiếc xe phi thường. Họ ngay lập tức gửi chiếc xe này đến các cuộc đua. Sau đó, vào năm 1924, chiếc xe giật giải vô địch Nhật Bản. Khi đó, Soichiro Honda chỉ mới 18 tuổi.
Honda không chỉ tỏa sáng với tư cách là một người thợ máy nhiệt huyết, kiên trì. Ông cũng trở thành một tay đua xe hơi. Ðây là một lĩnh vực khác mà ông thực sự nổi bật. ông đã lập kỷ lục về tốc độ khi cho chiếc xe của mình tăng tốc tới 120 km/giờ và kỷ lục này tồn tại ở Nhật Bản trong 20 năm.
Sau 5 năm học việc tại Art Shokai và 1 năm chứng minh khả năng với ông chủ, cuối cùng Soichiro đã được phép tự mở chi nhánh Art Shokai ở làng của mình tại Hamamatsu. Lúc đó Soichiro vừa tròn 21 tuổi.
Không bao giờ bỏ cuộc
Sau khi mở chi nhánh Art Shokai ở quê nhà, công việc làm ăn của Soichiro Honda nhanh chóng phát đạt, cửa hàng ngày càng được mở rộng, nhưng dường như ông không chịu nổi cảnh làm ăn dễ dàng như thế này. Thiếu khó khăn, thách thức Honda cảm thấy bứt rứt không yên, chính vì thế ông muốn làm 1 cái gì đó hơn là chỉ sửa chữa đơn thuần. Từ đó, Honda bắt đầu suy nghĩ đến việc kinh doanh sản xuất.
Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của ông là những chiếc séc măng (piston ring). Séc măng dường như là một chi tiết hoàn hảo, nhỏ nhưng rất đắt. Và thế là, Soichiro Honda nhanh chóng xây dựng kế hoạch để tiến hành sản xuất hàng loạt. Ông thuê nhà xưởng tại thị trấn Yamashita của thành phố Hamamatsu và mở “Phòng nghiên cứu sản xuất séc măng Art Shokai".
Tuy nhiên, ban giám đốc của Art Shokai đã phản đối kịch liệt ý tưởng này của ông và họ không cấp vốn cho ông. Honda cảm thấy rất chán nản sau khi giấc mơ của mình bị dập tắt, do vậy ông đã bị đau dây thần kinh vùng đầu và sau đó đau lưng nặng. Trong suốt gần hai tháng sau đó Honda phải nghỉ ở nhà chữa bệnh, nhưng ngay cả trong lúc khó khăn đó ông cũng vẫn luôn bị ám ảnh bởi việc phát triển chế tạo séc măng. Ông không bao giờ bỏ qua mơ ước của mình và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới.
Năm 30 tuổi, dù đã là chủ tịch của 1 công ty do mình thành lập nhưng Honda vẫn quyết định phải trở lại trường học. Ngoài giờ lên lớp Soichiro Honda giành hết thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thậm chí Honda ăn ngay ở phòng thí nghiệm vào những lúc trái khoáy, không cạo râu và để đầu tóc rối bời nhưng ông không để ý đến các điều đó, ông chỉ quan tâm đến một vấn đề là chiếc séc măng.
Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng ông đã thiết kế được séc măng mà ông chắc chắn rằng hãng Toyota sẽ mua. Nhưng khi ông mang sản phẩm đến, họ đã từ chối. Ông phải trở lại trường học, chịu đựng sự sỉ nhục của giáo viên và bạn bè. Họ bảo ông là một thằng ngốc vì “thiết kế một thứ lố bịch như thế”.
Sau đó, Soichiro Honda đã dành hai năm tiếp theo để tiếp tục tìm cách chế tạo séc măng tốt hơn. Ông tin mình sẽ thành công. Cuối cùng, hai năm sau, Soichiro Honda đã hoàn thiện thiết kế séc măng và hãng Toyota đã mua chúng. Khi ấy ông đã có ý định mở 1 nhà máy chuyên sản xuất séc măng.
Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy sản xuất séc măng của mình, Honda cần bê tông, nhưng chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị cho Thế chiến 2 nên vật liệu này không có sẵn. Một lần nữa, có vẻ như giấc mơ của Soichiro Honda sẽ chết. Nhưng không, ông đã quyết định xây dựng nhà máy. Vì từ bỏ không phải là một lựa chọn, Soichiro Honda đã tập hợp một nhóm bạn, và trong nhiều tuần, họ làm việc suốt ngày đêm để thử nghiệm cho đến khi họ tìm ra một phương pháp mới để sản xuất bê tông. Ông xây dựng nhà máy và cuối cùng đã có thể sản xuất séc măng ô tô.
Tuy nhiên cuộc đời không như là mơ, trong chiến tranh, dưới bom đại của không quân Mỹ nhà máy của ông đã bị phá huỷ gần hết. Thay vì cảm thấy thất bại, ông đã tập hợp tất cả nhân viên của mình lại. Ông nói: “Nhanh lên! Chạy ra ngoài và quan sát những chiếc máy bay đó. Chúng sẽ thả những thùng dầu phụ. Chúng ta cần tìm ra nơi các thùng dầu rơi xuống, vì chúng là nguyên liệu thô chúng ta cần cho sản xuất”.
Ðó là những vật liệu mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên đất Nhật Bản. Ông Honda sử dụng bất cứ điều gì cuộc sống ban cho ông. Nhưng cuối cùng, một trận động đất san bằng nhà máy của ông và Honda buộc phải bán dây chuyền sản xuất séc măng của mình cho Toyota. Nhưng cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra.
Vào tháng 9/1946 sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, trong một chuyến viếng thăm nhà bạn bè, Honda nảy ra ý tưởng sản xuất những mô hình động cơ nhỏ dành cho những chiếc xe đạp. Thực tế, Nhật Bản cũng đã sản xuất được xe máy tay ga, nhưng chúng có giá rất cao và rất ít người có thể mua được. Cuộc gặp gỡ định mệnh này chính là cơ sở cho sự ra đời của tập đoàn Honda sau này, với thành công từ chiếc xe máy 2 thì dung tích 50cc và đỉnh cao là sự ra đời của chiếc Dream huyền thoại (ra đời năm 1949 với tên gọi đầu tiên là Honda Model D).
Năm 1959, Honda bắt đầu bán hàng tại thị trường Mỹ với khẩu hiệu “Bạn gặp những người dễ thương nhất trên một chiếc Honda”. Honda nhắm vào thị trường gia đình, và đã thu được thành công rực rỡ.
Năm 1960, Soichiro Honda thành lập trung tâm nghiên cứu Honda, nhà máy Susuka. Và đến năm 1962, mở nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Bỉ.
Năm 1963, Công ty Honda bán được 7.800 chiếc, năm 1984 bán hơn 10 triệu chiếc Honda 50 phân khối tại Mỹ, con số mơ ước của bất kỳ hãng sản xuất xe máy nào thời bấy giờ.
Riêng ở Việt Nam, người Việt Nam đã trót yêu Honda từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Honda chào bán các loại sản phẩm xe gắn máy hai bánh đầu tiên.
Honda đã thành công trong việc chinh phục người Việt, đến nỗi ở các tỉnh phía Nam, từ Honda được dùng để gọi chung cho các loại xe gắn máy hai bánh. Người Việt Nam yêu Honda đến độ coi đó là biểu tượng của đẳng cấp và sành điệu. Cách đây vài chục năm, một chiếc xe Honda đời 81 có giá trị tương đương một ngôi nhà hai tầng mặt phố. Cho đến tận ngày nay, xe Honda vẫn luôn được người tiêu dùng lựa chọn giữa một rừng các nhãn hiệu xe máy khác. Nắm giữ một địa vị như vậy trên thị trường và trong lòng công chúng, Honda đã làm được nhiều hơn một thương hiệu xe
Thành công của Honda gắn liền với bộ ba Soichiro Honda, Kihachiro Kawashima và Takeo Fujisawa. Dưới thời của Soichiro Honda, tập đoàn này đã trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới vào kỷ nguyên 60 của thế kỷ XX. Ông Soichiro Honda tại vị trên ghế Chủ tịch của hãng trong suốt 25 năm, trước khi giao lại cho người đồng nghiệp Kawashima vào năm 1973. Ông qua đời năm 1991, thọ 85 tuổi.