VCCI, các doanh nhân kiến nghị gì với Chủ tịch Quốc hội?

16:03 | 08/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Trong cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị với Quốc hội liên quan đến vấn đề phục hồi trở lại hậu đại dịch.

Cụ thể, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội rằng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, với trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Trải qua 35 đổi mới, các doanh nghiệp đã có những bước tiến đáng kể về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại diện khối doanh nhân. Ảnh: Báo Đầu tư

Tuy nhiên, ông Công cũng nêu ra thực trạng rằng xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Bên cạnh đó, đáng quan ngại rằng trong thời qua đại dịch COVID-19 xuất hiện đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. 

Do đó, nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau dịch, ông Phạm Tấn Công đã gửi 3 nhóm kiến nghị mới tới Chủ tịch Quốc hội với tinh thần lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, để từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Chính phủ

Đầu tiên, chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. VCCI nhấn mạnh về sự chồng chéo ở các quy định pháp luật, nhiều điều còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa hợp với lợi ích chung của nền kinh tế... chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật PPP, Luật Phá sản…

Mục đích chính là tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Ông Công đề nghị xây dựng chính sách theo hướng trung và dài hạn, tác động đủ lớn phù hợp với nền kinh tế và bối cảnh sau đại dịch... 

Thứ hai, xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19. Hiện nay các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP. 

Thứ ba, VCCI muốn Quốc hội nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá. Bên cạnh đó, ông Công đề nghị  xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức độ khoảng từ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo… Ngoài ra, xem xét miễn giảm các loại thuế, phí, nghĩa vụ đóng bảo hiểm của doanh nghiệp... 

Cuối cùng, về hương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, VCCI đề nghị có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Chủ tịch có đề cập tới phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động trong bối cảnh cấu trúc lao động cũ bị phá vỡ bởi dòng người  ồ ạt rút khỏi TP.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam. 

Đồng quan điểm với VCCI là Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (HDNTVN) cũng đưa các đề xuất liên quan đến cải cách các quy định, điều luật để tạo điều kiện phục hồi cho doanh nghiệp. 

Đó là về Luật BHXH sửa đổi, lĩnh vực bảo hiểm gồm bảo hiểm tài sản doanh nghiệp và bảo hiểm con người. HDNTVN cho biết, doanh nghiệp hiểu rằng bảo hiểm là “cái phao” cho doanh nghiệp khi có tình huống khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp “níu” vào để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, việc áp dụng hiện tại lại vướng những quy định không rõ ràng liên quan đến nội dung về tài sản khiến doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận 

Tiếp theo, Hội DNTVN đề xuất Quốc hội xem xét giảm các khoản thu, phí liên quan chính sách BHXH. Hiện, ngoài quy định 2% quỹ công đoàn, doanh nghiệp đang phải đóng 32% trên thu nhập của người lao động cho BHXH, cơ quan này tin rằng đây là gánh nặng cho cả người doanh nghiệp và lao động. 

Ngoài ra, HDNTVN cũng đề nghị sửa đổi Luật đầu tư do chưa phản ánh được thực tế, và Luật Đất bởi chưa có sự thống nhất giữa các địa phương: Có nơi yêu cầu đóng 1 lần 50 năm, có địa phương lại ra quy định đóng hàng năm. Việc này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, Luật có sự hiểu áp dụng quy định khác nhau giữa các địa phương khiến doanh nghiệp gặp trở ngại.