Sớm có cơ chế tiết kiệm điện cho doanh nghiệp Bài 1: Nguy cơ thiếu điện nhiều năm tới
Hình thành ý thức tiết kiệm
Hẳn chúng ta chưa quên thời điểm cắt điện diện rộng diễn ra ở nhiều tỉnh thành vào mùa Hè năm nay. Mỗi ngày, việc đầu tiên mà người dân, doanh nghiệp quan tâm là “lịch cắt điện hôm nay thế nào?”.
Điều này đã dần trở thành thói quen của nhiều người và cũng đã góp phần tạo thành ý thức tiết kiệm điện của không ít doanh nghiệp, người dân.
Công ty CP Thiết bị điện MBT tại Đan Phượng - Hà Nội hàng tháng phải chi trả từ 200-300 triệu đồng tiền điện để phục vụ sản xuất hàng hóa cho các đơn hàng xuất khẩu. Những ngày nắng nóng của tháng 5-6 vừa qua, ban lãnh đạo công ty thường xuyên phải xem diễn biến về lịch cắt điện trên các kênh thông tin ngành điện để có biện pháp ứng phó. Bởi nếu không xoay xở kịp, việc chậm đơn hàng, lỗi hàng do thiếu điện là không tránh khỏi.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MBT cho hay, hàng năm vào cao điểm nắng nóng, ngành điện đều có báo trước về lịch cắt điện trước 2 ngày để doanh nghiệp có phương án chuẩn bị. Nhưng năm nay chỉ báo trước 2 tiếng, khiến doanh nghiệp không trở tay kịp. Chúng tôi phải cho công nhân nghỉ làm, chuyển sang làm giờ đêm để kịp giao hàng cho đối tác. Tuy nhiên, lúc cao điểm, doanh nghiệp phải chạy thêm máy phát cho một số công đoạn quan trọng, không thể dừng nghỉ.
Như vẫn còn nỗi lo, ông Trần Văn Nam chia sẻ: “Hàng chục năm rồi, việc thiếu điện mới xảy ra như thời gian vừa qua. Doanh nghiệp đã thường xuyên họp bàn để lên kế hoạch cho các phương án tiết kiệm điện.
Không chỉ MBT, mà nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như Quế Võ, Tiên Sơn, Tân Hồng, Yên Phong… cũng đã liên tục ở trong tình trạng cắt điện luân phiên, khiến cho hoạt động sản xuất gặp khó khăn, đình trệ.
Thế nhưng, có lẽ chính vào lúc sự thiếu thốn lên đến đỉnh điểm, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp trong vấn đề tiết kiệm điện lại mạnh mẽ hơn. Nhà nhà, người người cùng hưởng ứng tiết kiệm. Họ tự ý thức việc giảm các thiết bị điện khi không cần thiết. Nhiều gia đình cùng ngủ chung trong một phòng để giảm lượng điện sử dụng, giúp giảm tải cho hệ thống điện. Doanh nghiệp tính toán thời gian làm việc, cùng với ngành điện thực hiện điều chỉnh thời gian sản xuất để giảm áp lực lên việc cung ứng điện.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, với sự chung tay tích cực của khách hàng sử dụng điện, chỉ trong khoảng thời gian 17/5/2023 đến 16/6/2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm).
Lúc này, tiền điện đã không còn là mối quan tâm duy nhất mỗi khi bước vào mùa nóng, mà đặt lên hàng đầu là liệu tình trạng thiếu điện còn diễn ra đến khi nào, có bị cắt điện không?
Còn đó nỗi lo thiếu điện 2024-2025
Bước vào mùa lũ, lượng nước về các hồ thủy điện dồi dào. Việc cung ứng điện trong thời gian cuối năm cơ bản sẽ được ngành điện đảm bảo. Nhưng nỗi lo vẫn còn đó.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN cho hay, về tình hình cung ứng điện năm 2024, 2025, phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500 MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành 1.950 MW (2024) và 3.770 MW (2025), tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).
Theo ông Trần Viết Nguyên, trong bối cảnh thiếu nguồn cung thì vai trò của khách hàng sử dụng điện là hết sức quan trọng trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, tại miền Bắc có 6 dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ hoặc không đầu tư tiếp như An Khánh, Na Dương 2, Cẩm Phả... với tổng công suất hơn 4.200 MW. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện trong mùa nắng nóng, bởi cốt lõi chúng ta thiếu nguồn điện trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng mỗi năm", ông Tuấn nói.
Sức ép về vốn, nhiên liệu hay các vướng mắc về pháp lý, thủ tục phức tạp là những lý do khiến nhiều dự án nguồn điện tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh không kịp vận hành.
Ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ lo ngại: "Nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới vẫn rất căng thẳng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024-2025. Theo tính toán, nguồn điện than có thể vận hành từ nay đến 2030 khoảng 3.100 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện tại phía Bắc là gần 11.000 MW, tức nguồn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu.
Trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 6, EVN cho biết, nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng bình quân 10% một năm, tương đương 2.400-2.900 MW.
Nhưng các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành trong 2024 và 2025 lần lượt 780 MW và 1.620 MW, tức chỉ bằng 30-50% nhu cầu dùng điện tăng thêm tại phía Bắc. Do đó, EVN cho rằng, cung ứng điện cho miền Bắc tới 2025 vẫn gặp khó khăn, nhất là giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, ngành điện đã chứng kiến những khó khăn và nỗ lực khi đối mặt với thực trạng thiếu điện nghiêm trọng của miền Bắc trong những thời điểm nắng nóng vừa qua. Tuy nhiên, không loại trừ các tình huống cực đoan xếp chồng như vậy có thể lặp lại trong những năm tiếp theo.
Vì vậy, để chuẩn bị cho các diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng trong các năm tiếp theo, Bộ Công Thương kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức, đặc biệt là khối doanh nghiệp công nghiệp cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới…/.