Sự cố trượt dầm tuyến Metro số 1: Trọng lượng các gối cầu trong hồ sơ và thực tế khác nhau

11:19 | 22/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) phản bác nội dung giải trình do nhà thầu SCC đưa ra về sự cố trượt dầm tuyến Metro số 1. MAUR cho rằng có sự sự khác biệt về trọng lượng các gối cầu trong hồ sơ và thực tế.
Nguồn tin từ Zing.vn cho hay, tối 21/12, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) có phản hồi chính thức đến ông Shigeki Ihara, Giám đốc dự án nhà thầu liên danh SCC, về việc đưa ra các khiếu nại tạm thời liên quan sự cố trượt gối dầm đoạn trên cao, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
 
Đại diện MAUR cho biết đơn vị không chấp nhận nội dung giải trình do SCC đưa ra. Thay vào đó, MAUR đề nghị nhà thầu cung cấp hồ sơ liên quan trình Tổ công tác TP xem xét và đưa ý kiến. Lý do không chấp nhận giải trình của SCC là do có sự khác biệt về trọng lượng các gối cầu trong hồ sơ và thực tế.
 
Cụ thể, hồi tháng 3/2015 SCC đệ trình hồ sơ trong đó có nêu trọng lượng EB1 và EB4 bằng 126,1 kg. Nhưng thực tế, 2 gối EB1 và EB4 được lắp tại công trình chỉ có 117 kg.
 
Sự cố trượt dầm tuyến Metro số 1: Không chấp nhận giải trình
Vị trí xảy ra sự cố tại trụ P14-10, thuộc đoạn cầu cạn VD14 gần nhà ga Khu Công nghệ cao (quận Thủ Đức)
 
Sau khi phát hiện sự việc, MAUR cho rằng đơn vị có cơ sở để nghi ngờ chất lượng thực tế của tất cả gối cao su còn lại của công trình. Do đó, MAUR đề nghị SCC phải cung cấp kết quả thí nghiệm để chứng minh vật liệu dùng cho gối cao su đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án.
 
Cũng theo đại diện MAUR nhận định khó có thể ước lượng chi phí và tác động tiêu cực do sự cố đối với dự án. Đặc biệt, đây là giai đoạn gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác theo kế hoạch. Theo đó, người đại diện cho biết đơn vị sẽ đưa ra quyết định cần thiết và quyết liệt để đảm bảo chất lượng và an toàn công trình trong giai đoạn vận hành trong thời gian tới.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, trong lần kiểm tra định kỳ, MAUR phát hiện phần gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) của dầm cầu cạn lắp đặt năm 2016 bị rơi ra ngoài. Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới, bê tông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt vỡ. MAUR lo ngại sự cố kéo theo hàng loạt nguy cơ khác như gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm, giảm khả năng chịu lực, kéo theo ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình.
 
Sự cố trượt dầm tuyến Metro số 1: Không chấp nhận giải trình
Hai dầm bị lệch khoảng 8,5 cm
 
Vị trí gối cao su bị hỏng sau đó đã được gấp rút thay mới và khắc phục tạm thời các nứt vỡ liên quan. Trong tháng 11, chủ đầu tư MAUR tổ chức ít nhất 3 cuộc họp giữa Liên danh tư vấn chung NJPT và SCC để đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo sự cố.
 
Trong buổi khảo sát với báo chí gần nhất ngày 11/11, ông S.Ihara, Giám đốc Liên danh Sumitomo-Cienco 6 (SCC) cho rằng có thể mất ít nhất một tháng để xác định nguyên nhân sự cố này.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, MAUR nhận định nhà thầu không chỉ chậm trễ trong báo cáo mà còn đưa ra các nhận định ban đầu sơ sài, kém thuyết phục. MAUR ra hạn cuối để tổng thầu nộp các bằng chứng điều tra, báo cáo sự cố trước ngày 10/12. MAUR đề nghị đơn vị tư vấn NJPT có trách nhiệm rà soát, phối hợp, đôn đốc SCC sớm hoàn thành và trình nộp lại đầy đủ hồ sơ nêu trên. Trong trường hợp chậm trễ hơn, SCC sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
 
Hôm 11/12, MAUR đề nghị thành lập Tổ điều tra sự cố metro với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực xây dựng và giao thông công trình, để tìm ra nguyên nhân khách quan nhất.
 
Metro Số 1 tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, gồm 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km trên cao. Đoạn cầu cạn của tuyến dài 14,5 km. Toàn bộ dự án hiện đạt 78% khối lượng, trong đó gói thầu CP2 đạt khoảng 90% khối lượng. TP HCM đặt mục tiêu khai thác dự án vào cuối năm 2021.
 
 
Hà Ly