Sữa TH xuất sang Trung Quốc và bài học cho DN Việt
(DNVN) - Từ câu chuyện Tập đoàn TH xuất khẩu chính ngạch thành công sữa tươi sang Trung Quốc, bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, không áp dụng khoa học công nghệ từ đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước là rất khó.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam với dân số hơn 1,42 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của nước này khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sữa… Thời gian qua, Trung Quốc triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thương mại tiểu ngạch khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới này sụt giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm nay.
Nhưng giữa bức tranh nhiều gam màu u ám đó lại nổi lên một điểm sáng. Giữa tháng 10 vừa qua, những lô sữa đầu tiên của Việt Nam, cụ thể là sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu TH True milk đã được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới - theo Nghị định thư vừa được hai nước ký kết hồi tháng 4 vừa qua. TH True milk là thương hiệu đầu tiên được các cơ quan chức năng phía Trung Quốc cấp mã số, cho phép nhập khẩu sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hồ sơ của 4 doanh nghiệp sữa Việt Nam khác đang chờ bước cuối cùng là cấp mã số xuất khẩu.
Đáng giá về điểm sáng này, ông Hoàng Trọng Thủy – chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận: Việc Việt Nam đã xuất khẩu được sữa tươi vào Trung Quốc, cụ thể là sữa tươi của TH True milk, theo con đường chính ngạch đã mang lại nhiều ý nghĩa.
Một là, khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên trục xuất khẩu nông sản là đúng hướng. Khi đã ưu tiên cho trục nông sản xuất khẩu thì đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để tổ chức lại sản xuất. Thành công của TH True milk cho thấy sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực và lao động đã đạt đến mức đi xa vào thị trường khó tính. Ở đó, doanh nghiệp, nông dân, và nhà khoa học dẫn dắt được huỗi giá trị của Việt Nam.
Hai là, sự kiện này mở đường cho nông sản xuất khẩu, vừa là cánh kéo về mặt khối lượng, giá trị, vừa là cánh kéo để mở đường cho nông sản của vùng miền để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Việc Việt Nam đưa được sản phẩm sữa tươi vào thị trường Trung Quốc có thể khẳng định là doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đủ năng lực, khả năng để đáp ứng với các tiêu chuẩn theo hợp đồng của bên khách hàng đặt.
Thứ ba, thúc đẩy liên kết ngang giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cùng thức đẩy liên kết dọc theo đường đi của nông sản; đồng thời thúc đẩy cả liên kết giữa địa phương và trung ương.
Thứ tư, xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ là hoạt động đòi hỏi sự cách tân của nhà nước, đòi hỏi sự cách tân của những người làm chính sách, đòi hỏi sự cách tân của người làm giao thương, làm thương mại. Nếu không cách tân thì không thể nói là sự mở đường cho sự phát triển.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Việc xâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch của Tập đoàn TH không đơn thuần là một doanh nghiệp xuất khẩu, mà là một nhà sản xuất, đồng thời gắn với vùng nguyên liệu. Như vậy bản thân trong Tập đoàn TH đã hình thành một chuỗi sản xuất hàng hóa từ khâu nuôi trồng, khâu giống cho đến khâu sản xuất chế biến đến tìm hiểu thị trường và bán ra thị trường.
Đây chính là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nếu không có khoa học công nghệ để áp dụng từ khâu đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà các nước đang xây dựng là rất khó.
Bên cạnh đó, ông Kiên cho rằng: Để hỗ trợ cho xuất khẩu nông nghiệp, đặc biệt những sản phẩm gắn với chăn nuôi sang thị trường tiềm năng Trung Quốc, chúng ta phải xác định rõ phân vai giữa các bên (gồm cơ quan lập pháp - cơ quan ban hành chính sách và cơ quan điều hành). Về cơ bản, những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các quốc gia đều đã ký kết. Các cơ quan của Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có biên bản ghi nhớ về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp, tức là hai bên đều biết những tiêu chuẩn của nhau. Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát lại, so sánh tiêu chuẩn của 2 nước để tìm ra những vấn đề nào còn lệch, tiêu chuẩn nào là hàng rào kỹ thuật phi thuế quan để chỉ rõ cho doanh nghiệp và người dân.
Mặt khác, do đặc thù nông nghiệp Việt Nam là kinh tế hộ, sản xuất nhỏ lẻ nên phải có cơ quan, tổ chức liên kết lại với nhau. Đáng ra, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã là phải liên kết người nông dân song thực tế, vai trò này rất mờ nhạt, hiện mới chỉ làm khâu tôn vinh những người nông dân sản xuất giỏi.
Có như vậy, không chỉ những tập đoàn lớn như TH mới có thể vượt qua những hàng rào kỹ thuật mà ngay những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể. Vấn đề là họ nắm bắt cơ hội và những chính sách của nước sở tại thay đổi như thế nào.