Sức ép “xanh hóa”: Phát huy vai trò tiên phong của DN lớn
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Dương Văn Bảy, Đại học Kinh tế Quốc dân trích dẫn định nghĩa: Chuỗi cung ứng xanh (GSCM) là một loại hình phát triển chiến lược bền vững cho doanh nghiệp trong môi trường làm việc cạnh tranh, một phương pháp sáng tạo mới nhằm thu được đồng thời lợi ích tài chính và môi trường thông qua giảm thiểu rủi ro và tác động môi trường.
Trong quá trình thực thi GSCM của doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội và cộng đồng có tác động ngược đến hoạt động giao vận ngược (hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế các sản phẩm thải bỏ). Cùng với đó, áp lực người mua, đặc biệt là khách hàng lớn, có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động quản lý môi trường và phục hồi đầu tư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, áp lực cạnh tranh không thúc đẩy giao vận ngược mà lại tác động tiêu cực đến hoạt động này, đây là điều rất đáng lưu tâm. Bởi trong môi trường kinh doanh trên thế giới hiện nay, giao vận ngược là hoạt động mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp mặc dù nó làm tăng vốn đầu tư ban đầu, tăng phí vận hành và tăng chi phí mua nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ bản chất lợi thế cạnh tranh khi tham gia GSCM là hướng tới cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và lợi thế cạnh tranh về chi phí.
Cùng với đó, năng lực hạn chế của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khiến việc áp dụng GSCM gặp rất nhiều khó khăn, sức ép thị trường trong nước chưa đủ lớn để các doanh nghiệp áp dụng GSCM. Thực tế cho thấy, việc xanh hóa các công đoạn của chuỗi cung ứng tương đối tốn kém, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có năng lực quản lý, năng lực công nghệ, nguồn nhân lực phù hợp.
Giải pháp trước tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung để thực thi hiệu quả việc áp dụng GSCM được PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc đưa ra là chủ thể trong chuỗi cung ứng thủy sản cần hợp tác chặt chẽ để nâng cao năng lực. Cần phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp lớn để xanh hóa chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tuyên truyền về lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội từ việc sử dụng các sản phẩm xanh của người tiêu dùng; xây dựng và công bố tiêu chuẩn xanh cho nguyên liệu đầu vào; công nhận nguyên liệu xanh cho các tổ chức sản xuất nguyên liệu, đầu vào phục vụ nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo quản thủy sản.
Cần liên kết chia sẻ các nguồn lực về quản lý, công nghệ và nhân lực sẽ góp phần làm giảm các cản trở áp dụng GSCM. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt kỹ thuật và đào tạo nhân lực để giúp các doanh nghiệp trong ngành thủy sản xanh hóa chuỗi cung ứng. Ban hành và áp dụng các chính sách khuyến khích để các chủ thể nhỏ hợp tác với nhau để có đủ năng lực thực hiện các sáng kiến xanh hóa chuỗi cung ứng.
Đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn cho doanh nghiệp từ các ý kiến trình bày tại Hội thảo, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam bổ sung thêm: Các vấn đề nghiên cứu cần giảm yếu tố học thuật, sử dụng những thuật ngữ gần hơn với doanh nghiệp. Những giải pháp đó có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh EU chưa tháo gỡ thẻ vàng cho Việt Nam hiện nay.
“Cái chúng tôi rất quan tâm là hàng thủy sản chuỗi cũng ứng xanh đi đôi vệ định thực phẩm và chất lượng hàng hoá. EU chưa tháo gỡ thẻ vàng nên những khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo với chúng tôi rất quan trọng”, ông Tương nói.