Doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động ra sao nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường?

Trang Mai 15:32 | 23/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) được dự đoán sẽ có nhiều tác động đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Trên thực tế, những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và đã được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. 

Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7 và các ý kiến bình luận và phản biện lên Bộ Thương Mại Mỹ trước khi diễn ra phiên điều trần vẫn đang khá trung lập. Một số bên lên tiếng ủng hộ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA) tuy nhiên vẫn có một số bên phản đối như Liên minh sản xuất Mỹ (AAM) hay Công đoàn Công nhân thép (USW). 

Vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cũng đối mặt với nhiều thách thức pháp lý tiềm ẩn ở Mỹ. Trước đó vào năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã từ chối đề xuất từ phía Trung Quốc. 

Trong một báo cáo công bố mới đây của công ty chứng khoán SSI Research, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. 

Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh và quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp Liên Minh Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam. Thời điểm từ nay đến ngày 26/7 sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và nỗ lực từ phía Chính phủ khi cần vượt qua các quy định pháp lý chặt chẽ từ Mỹ. 

 Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp Liên Minh Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam - Ảnh: Vnanet

Trao đổi với phóng viên, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Hàng Việt Nam không bị coi bán phá giá, vậy nên đây là cơ hội hàng hoá mở rộng quy mô, xuất khẩu tăng lên. Doanh nghiệp sẽ tự tin tìm hiểu thị trường, phát triển sâu quan hệ đối tác, nhiều loại lợi thế được phát huy. Nhiều thương hiệu Việt sẽ được phát triển ra thế giới gắn với các mặt hàng mũi nhọn trong nền kinh tế thế giới. 

Đây là rào cản pháp lý tổng thể, bao trùm nhất trong hội nhập chuẩn bị gỡ bỏ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội, đầu tư xây dựng chuỗi, kênh bán hàng và phát triển quan hệ đầu tư. Khó khăn là việc tạo nguồn hàng ổn định, quy mô lớn, chất lượng cao, hệ thống vận hành chuyên nghiệp, giữ được quan hệ đối tác lâu dài trước tác động cạnh tranh khốc liệt và những bất định của kinh tế thế giới. 

Do đó, cần loại bỏ các rào cản nội địa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hiệu năng cao, tăng cường liên kết để hỗ trợ lẫn nhau, tăng sức chống chịu. Đồng thời có cơ chế cảnh báo các rào cản mới trong thương mại, gắn cam kết quốc tế tổng thể đang tạo áp lực và động lực mới để phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp mạnh hơn để tạo thế hệ doanh nghiệp mới.”

Tác động tiềm năng đối với các doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ

Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu có vị thế quan trọng trên thế giới, xuất khẩu chiếm 82% GDP năm 2023, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Đồng thời, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ. 

 Nguồn: CEIC

Trong năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu là 97 tỷ USD, đóng góp 27% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ & sản phẩm gỗ và thủy sản sang Mỹ đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54% và 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành trong năm 2023. 

 Nguồn: CEIC

Với ngành xuất khẩu lốp xe với doanh nghiệp tiêu biểu là CTCP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC), Bộ Thương mại Mỹ (DoC) mới đây đã ban hành quyết định sơ bộ về hành vi chống bán phá giá lốp xe tải từ Thái Lan. Thái Lan là quốc gia nhập khẩu lốp xe tải lớn nhất vào thị trường Mỹ chiếm 37% tổng lượng nhập khẩu năm 2022, tiếp theo là Việt Nam với mức đóng góp 10%.

DoC xác định mức thuế chống bán phá giá 2,35% đối với lốp xe tải từ Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 47,81% được đề xuất trước đó nên khó có thể ngăn chặn lốp xe tải Thái Lan thâm nhập thị trường Mỹ. Như vậy, tác động tích cực đến DRC có thể không nhiều như dự báo trước đây.

Phán quyết cuối cùng sẽ được ban hành vào ngày 19/9 tới.

SSI Research phân tích, thị trường Mỹ hiện chiếm 14% tổng doanh thu của DRC. Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến DRC, do lốp xe tải của DRC hiện không chịu bất kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nào (AD/CVD). Trong trường hợp có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC giảm bớt khả năng bị áp dụng AD/CVD, vì DRC được phép sử dụng dữ liệu chi phí sản xuất của công ty thay vì sử dụng dữ liệu từ nước thứ ba làm cơ sở đánh giá. 

Trong khi đó, lốp PCR có xuất xứ Việt Nam chịu thuế AD ở mức 22,27% và thuế CVD ở mức 6,46%. DRC đã tung ra thị trường lốp PCR vào quý II/2023, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ. Nếu DRC giới thiệu lốp loại PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai và nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì có thể giúp DRC né được thuế AD/CVD nếu có trong tương lai. 

Với ngành dệt may, chuyên gia phân tích cho rằng các doanh nghiệp như Đầu tư và thương mại TNG (mã: TNG), May Sông Hồng (mã: MSH), Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM) xuất khẩu dệt may không chịu thuế AD/CVD. Mặc dù sợi polyester phải chịu thuế 2,58%, tuy nhiên Sợi Thế Kỷ (mã: STK) chỉ xuất khẩu 8% sang Mỹ (so với 70% doanh thu từ khách hàng trong nước). Vì vậy, việc công nhận sẽ có tác động nhỏ đến các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Tại ngành thép với các doanh nghiệp như Hoà Phát (mã: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG), Thép Nam Kim (mã: NKG), việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dự kiến sẽ không có tác động lớn đến các doanh nghiệp thép trong ngắn hạn vì Mỹ không áp thuế AD đối với các doanh nghiệp thép của Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc công nhận có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam thuận lợi hơn trong việc né tránh việc áp thuế AD nếu có trong tương lai, vì các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp trong trường hợp điều tra thuế AD, thay vì phải sử dụng giá tại các thị trường khác như Indonesia, để tham khảo. Mặt khác, việc nâng cấp sẽ không ảnh hưởng đến việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% vào thời điểm hiện tại.

Ngành thuỷ sản với đại diện như Vĩnh Hoàn (mã: VHC), Sao Ta (mã: FMC), Nam Việt (mã: ANV), dựa trên POR 19, thuế AD đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VHC và ANV sẽ là 0 USD/kg, trong khi IDI sẽ là 0,18 USD/kg (giảm từ 2,39 USD/kg). Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra sẽ không có ảnh hưởng đáng kể từ việc công nhận. 

Tuy nhiên, Mỹ đang điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm về khả năng vi phạm chống trợ cấp, với kết quả cuối cùng sẽ có ngày 5/8/2024. Như vậy, việc công nhận có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện. Hiện tại giá tôm Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh và mức thuế CVD sơ bộ thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ 4,36%-7,55%).

Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết Mỹ sẽ đưa ra phán quyết thuế chống trợ cấp đối với Việt Nam vào tháng 8 tới. Giả sử Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường trước thời hạn này, mức thuế đối với Việt Nam sẽ giảm mạnh. Bởi Mỹ sẽ dựa vào số liệu thực tế trong sản xuất tôm tại Việt Nam, thay vì đối chiếu với một nước thứ ba. 

 Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động lớn tới ngành thuỷ sản, đặc biệt là mặt hàng tôm. Ảnh: Sao Ta

Với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, theo tìm hiểu, hiện nay thị trường Mỹ chiếm tới 65% thị phần xuất khẩu của gỗ Phú Tài (mã: PTB) và hiện nay không phải chịu thuế AD. 

SSI Research phân tích, một số sản phẩm gỗ của Việt Nam như gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, nội thất phòng ngủ bằng gỗ, ghế khung gỗ hiện đang bị điều tra thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. PTB hiện đang xuất khẩu sản phẩm nội thất phòng ngủ bằng gỗ với doanh thu bình quân hàng năm đạt 80 tỷ đồng - 100 tỷ đồng/năm – đóng góp 1,78% vào tổng doanh thu của PTB.

Tại Vicostone (mã: VCS) và PTB, thị trường Mỹ cũng chiếm tới 60-65% trong ngành hàng xuất khẩu đá, DoC đã đưa ra cảnh báo sản phẩm đá thạch anh có nguy cơ bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá. Hiện tại, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm Trung Quốc là từ 265,81% đến 336,69%.