Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi rõ rệt từ quý III/2023. Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng nhu cầu năm nay, bù đắp cho sự suy yếu ở Châu Âu và Hoa Kỳ.
Các chuyên gia nhận định mặc dù ghi nhận một số tín hiệu hồi phục, đà tăng của ngành thép nói chung vẫn chưa rõ rệt do toàn ngành còn chịu sức ép cầu yếu kéo theo giá bán giảm mạnh.
Trong các dự báo về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mới đây, nhiều chuyên gia phân tích từ các công ty chứng khoán khác nhau cùng chung nhận định kết quả kinh doanh và biên lãi của Hòa Phát có thể cải thiện dần về nửa cuối năm, khi sản lượng tiêu thụ tăng trở lại và giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.
Trong bối cảnh nhu cầu thép trong nước yếu và chi phí tăng đẩy giá hàng hóa toàn cầu, giá bán thép thành phẩm đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Điều này khiến giới phân tích nhận định hiệu quả kinh doanh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp.
Tháng 2/2023, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã sản xuất 416.000 tấn thép thô, bằng 60% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 475.000 tấn, bằng gần 70% so với tháng 2/2022. Điểm sáng là sản lượng HRC cao gấp hơn 2 lần so với tháng 1.
Nằm trong top 13 quốc gia có sản lượng sản xuất thép thô lớn nhất thế giới, Việt Nam ghi nhận sự trầm lắng từ dịp nghỉ lễ dẫn đến giá thép HRC Châu Á giữ mức ổn định. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) tiếp tục mở rộng thị phần và xem xét tái khởi động 3 lò cao còn lại trong nửa đầu năm 2023 trước bối cảnh toàn ngành thép vẫn đang suy yếu.
Mới đây (14/2), Công ty Chứng khoán SSI Research vừa công bố báo cáo triển vọng cho Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG). Nhìn chung, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với xuất khẩu của HPG sẽ không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với Trung Quốc.