"Ông lớn" ngành thép mới lấn sân sang bất động sản có tiềm lực thế nào?

Đông Bắc 06:30 | 19/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau Hòa Phát và Hoa Sen là doanh nghiệp ngành thép đều lấn sân sang mảng bất động sản, mới đây Tôn Đông Á cũng muốn tham gia kinh doanh ngành địa ốc.

 

Tôn Đông Á muốn làm bất động sản

Mới đây, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố, CTCP Tôn Đông Á (Mã GDA) cho biết kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản, nông nghiệp. Để triển khai kế hoạch này, Tôn Đông Á dự định sẽ góp vốn trực tiếp hoặc giao cho công ty con góp vốn đầu tư hoặc thành lập công ty mới.

Trước đó, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung.

Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung được biết đến là chủ đầu tư của dự Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị SBC miền Trung tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 5,5 ha.

 Thép Hòa Phát đã lấn sân sang bất động sản từ lâu. Ảnh HP.

Trước Tôn Đông Á, các doanh nghiệp ngành thép như Tôn Hoa Sen và Hòa Phát đã lấn sân và có doanh thu tốt từ lĩnh vực bất động sản. Thép Hòa Phát đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị. Nhưng đến năm 2020, Hòa Phát mới xác định bất động sản là mảng kinh doanh chính, bên cạnh thép.

Hiện tại, Hòa Phát đang sở hữu 3 khu công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) diện tích gần 690 ha, Khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam) diện tích 131 ha và Khu công nghiệp Yên Mỹ II (Hưng Yên) diện tích 313 ha. Đối với mảng nhà ở, Hòa Phát đang sở hữu nhiều bất động sản tại Hà Nội như Tòa nhà Hòa Phát, Khu phức hợp Mandarin Garden 1 và 2...

Trong kế hoạch dài hạn, tập đoàn này đặt mục tiêu xây dựng 10 khu công nghiệp đến năm 2030. 

Còn Tôn Hoa Sen, "vua tôn" từng lấn sân vào thị trường bất động sản từ năm 2009. Sau những năm đầu không thành công, năm 2016, Hoa Sen trở lại lĩnh vực bất động sản với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn...

Tôn Đông Á đang kinh doanh ra sao?

CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) mới công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 28/6/2024 tại TP HCM.

Theo tài liệu dự trình cổ đông, năm 2024, Tôn Đông Á dự trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng sản lượng đạt 780.000 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ, tổng doanh thu 18.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thực hiện trong năm 2023.

Trong năm 2023, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu 17.435 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 284 tỷ đồng, vượt 42% so với kế hoạch lãi 200 tỷ đồng trong năm 2023.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Tôn Đông Á trình cổ đông trả cổ tức năm 2023 dự kiến tối đa 30%. Trong đó, 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2024 đến năm 2025 và uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm phù hợp.

 Tôn Đông Á muốn lấn sân sang bất động sản như Hòa Phát, Hoa Sen. Ảnh GDA.

Bước sang năm 2024, mức cổ tức dự kiến tối đa vẫn là 30%. Trong đó, 10% là cổ tức tiền mặt, còn lại tối đa 20% là cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2025 đến năm 2026.

Về định hướng kinh doanh, Tôn Đông Á nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng. Trong đó, Công ty đặt mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tận dụng những lợi thế về sản phẩm, chất lượng, thị phần và hệ thống mạng lưới phân phối để tối đa hoá hiệu quả kinh doanh.

Tôn Đông Á sẽ tiếp tục xúc tiến với các khách hàng hiện tại, đặc biệt là các đối tác lớn ở Việt Nam, Mỹ và châu Âu, Công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh và thương hiệu để tăng cường phát triển chiến lược phân phối và tiếp cận các thị trường tiềm năng và mở rộng thị phần trong nước và quốc tế.

Trong năm 2024, Tôn Đông Á cho biết sẽ tiếp tục triển khai đầu tư dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép. Mục đích nhằm tăng công suất sản xuất thép lá mạ thêm 1,2 triệu tấn/năm; nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô...

Về kế hoạch huy động vốn, tại Đại hội sắp tới, Tôn Đông Á trình cổ đông phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tối đa từ 20% đến 30% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, triển khai trong năm 2025-2026, uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời gian phù hợp. Số tiền huy động từ cổ đông, Tôn Đông Á sẽ sử dụng để đầu tư mới và/hoặc bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Tôn Đông Á cũng trình cổ đông đăng ký phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi với giá trị tối đa 500 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm 2024, công ty mang về 4.100 tỷ doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí, Tôn Đông Á mang về 95,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 16,9% so với quý I/2023.