Tái cấu trúc mô hình kinh doanh - Cơ hội để DN vươn mình sau dịch bệnh
(DNVN) - Trước những tác động hết sức nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, việc định vị, điều chỉnh chiến lược, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và các giải pháp sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay đối với doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, lấy lại nhịp độ tăng trưởng, duy trì đà phát triển kinh tế và sự ổn định của đời sống xã hội.
Đánh giá về tác động của dịch COVID-19 đến các doanh nghiệp trong thời gian qua, tại Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình canh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng COVID-19”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, ngoài những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 đã mở ra nhiều xu hướng đầu tư và kinh doanh mới. Thứ nhất là xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn như giá vàng thế giới đã tăng 20%, giá trái phiếu chính phủ của Mỹ cũng tăng. Hai là xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) cũng tăng do dịch COVID-19 khiến nhiều công ty phá sản hoặc giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nên sẵn sàng mua lại.
Ngoài ra, theo ông Lực, các xu thế mới nữa là việc cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt, xu thế cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư cũng như cơ hội từ dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách làm việc, trở thành động lực để thúc đẩy chuyển đổi số. Hơn nữa, tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Vì vậy, ông Lực cho rằng: Doanh nghiệp cần phải có biện pháp ứng phó trong bối cảnh mới hiện nay. Thứ hai là phục hồi càng nhanh càng tốt. Thứ ba là phải đổi mới sáng tạo, nhất là trong mô hình, cũng như trong chiến lược kinh doanh của mình. Tiếp tục tái cơ cấu, những cái gì không tốt, những gì mà không tinh gọn dứt khoát là phải tập trung lại, tăng khả năng chống chọi của chúng ta đối với các cú sốc bên ngoài. Năm 2020 là 1 năm cực kỳ khó khăn của suy thoái rất rõ và 2021 vẫn dự báo khả năng phục hồi sẽ tốt hơn. Do đó, mỗi doanh nghiệp của chúng ta hai yếu tố vô cùng quan trọng chính là con người và đột phá công nghệ.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là mối quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý, mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp cần thâm nhập và đúng thị trường mục tiêu, xác định mức giá phù hợp để chiếm lĩnh được thị trường cả trong và ngoài nước.
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam cho rằng, tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự sống còn của không ít doanh nghiệp. Những tác động tiêu cực quá mạnh của COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh không còn trụ được, 86% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19, 90% người lao động bị giảm thu nhập, 30,8% người lao động bị ảnh hưởng về công việc…
Theo ông Dũng, từ thực tế đó, đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nhanh hơn để doanh nghiệp không gục ngã. Chính phủ và cơ quan nhà nước nỗ lực hơn trong việc hoạch định chính sách. Doanh nghiệp cần có giải pháp hiệu quả, tái cấu trúc mô hình kinh doanh, chủ động thích ứng vượt qua thách thức của đại dịch và biến nguy thành an, biến thách thức thành cơ hội. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp có năng lực tốt, sáng tạo thích ứng nhanh đã phát triển tốt trong đại dịch.
Còn theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam, đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược và tầm nhìn. Cụ thể, đó là chiến lược kỹ thuật số, công nghệ và đổi mới để tăng cường năng lực và tối ưu hóa các quy trình nội bộ; xác định các giao dịch, thương vụ và liên kết chúng với tầm nhìn dài hạn; duy trì cơ sở tài chính vững mạnh trong khi cân nhắc các nguồn vốn khác…
Đồng thời, tại thời điểm này, ông Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cần có từ các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi được những mô hình kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Cụ thể là mô hình kinh doanh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số họ có được những hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan tâm thêm có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của chuỗi cung ứng nội địa của Việt Nam từ khách hàng đến các nhà cung ứng.