Tài sản ròng của các tỷ phú Việt Nam đã bốc hơi gần 9 tỷ USD trong 1 năm qua
Theo danh sách tỷ phú mà Forbes mới cập nhật, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất hành tinh (735 cái tên với tổng trị giá tài sản ròng ước tính 4,5 nghìn tỷ USD). Xếp thứ hai là Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Ma Cao) với 562 tỷ phú, giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 2 nghìn tỷ USD. Và ở vị trí thứ ba là Ấn Độ với 169 tỷ phú, giá trị tài sản ròng khoảng 675 tỷ USD.
Tại Việt Nam, dù số lượng tỷ phú trong danh sách mà Forbes mới cập nhật vẫn giữ nguyên con số 6 so với lần cập nhật hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng những gương mặt trong danh sách có một số biến động.
Lần này, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn không còn xuất hiện trong danh sách, với số tài sản ròng ước tính hiện tại chỉ còn khoảng 946 triệu USD. Trong khi tại danh sách hồi tháng 11, ông Nhơn vẫn “lọt top” với giá trị tài sản ước tính 1,1 tỷ USD. Ông Bùi Thành Nhơn lần đầu tiên góp mặt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2022 với giá trị tài sản 2,9 tỷ USD.
Còn chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long sau khi tạm rời danh sách tỷ phú của Forbes cuối năm ngoái, nay lại tiếp tục có tên với tổng tài sản ròng ước tính 1,8 tỷ USD.
Tháng 11 năm ngoái, Forbes thống kê tài sản ông Trần Đình Long tại thời điểm 10/11 đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD, chỉ còn 963,1 triệu USD, tương đương giảm 70% từ 3,2 tỷ USD trong bảng xếp hạng của Forbes ngày 6/4/2022. Đó là thời điểm cổ phiếu Hòa Phát liên tục bị bán tháo trên sàn chứng khoán và giảm hơn 70% từ mức đỉnh 47.600 đồng/cp hồi giữa tháng 3/2022.
Bên cạnh sự trở lại của ông Trần Đình Long, 5 gương mặt quen thuộc còn lại vẫn trụ vững trong danh sách tỷ phú 2023 của Forbes bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Theo đó, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 636 thế giới. So với danh sách hồi tháng 11/2022, khối tài sản của ông Vượng đã tăng tới 0,5 tỷ USD (từ mức 3,8 tỷ USD và xếp thứ 695).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes ước tính nắm giữ khối tài sản 2,2 tỷ USD (giảm 0,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 0,2 tỷ USD so với BXH tháng 11/2022). Với khối tài sản này, bà Thảo hiện xếp thứ hạng 1.368 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Tỷ phú Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank cũng có tên trong danh sách với khối tài sản ước tính 1,5 tỷ USD, "bốc hơi" khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 0,1 tỷ USD so với BXH gần nửa năm trước.
Ông Trần Bá Dương và gia đình cũng có giá trị tài sản ròng tương đương với ông Hồ Hùng Anh, đạt 1,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1 tỷ USD so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 0,1 tỷ USD so với BXH tháng 11/2022.
Xuất hiện năm thứ 3 trong bảng xếp hạng này, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, sau khi giảm 0,7 tỷ USD trong năm vừa qua nhưng cũng tăng 0,1 tỷ USD so với BXH hồi tháng 11/2022.
Như vậy, tổng cộng, tổng cộng khối tài sản ròng mà 6 tỷ phú USD Việt Nam trong danh sách của Forbes đang sở hữu ước tính khoảng 12,6 tỷ USD. So với danh sách 6 tỷ phú Việt Nam mà Forbes công bố tháng 11 năm ngoái (danh sách có Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn nhưng không có Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long), con số này đã tăng 1,7 tỷ USD.
Nếu tính cả ông Bùi Thành Nhơn - người vừa rời danh sách tỷ phú, tổng số tài sản ròng của cả 7 gương mặt nói trên hiện là 13,55 tỷ USD. So với tổng khối tài sản của 7 tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes hồi tháng 4/2022 (có cả ông Nhơn) là khoảng 22,2 tỷ USD; thì sau 1 năm, con số này đã "bốc hơi" 8,65 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu so với tổng số tài sản ròng của cả 7 cá nhân trên tại thời điểm tháng 11/2022 là 11,8 tỷ USD thì con số hiện tại đã tăng 1,75 tỷ USD.