Tại sao các ngân hàng trung ương không đồng thuận trong cách xử lý lạm phát?

13:49 | 08/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lạm phát ở mức cao trong nhiều thập kỷ đang đe dọa nền kinh tế thế giới. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đang theo đuổi các chiến lược đối nghịch nhau để xử lý vấn đề này.

Trước đây, các ngân hàng trung ương biết rõ cần làm gì để xử lý lạm phát. Nhưng hiện tại, khi phải vật lộn với những hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19, sự đồng thuận về cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng với mức giá thấp và ổn định đã bị phá vỡ.

Sau nhiều năm thiết lập mức lại suất dựa trên cơ sở dự báo lạm phát và tìm cách đạt mục tiêu lạm phát khoảng 2%, hiện các cơ quan quản lý tiền tệ hàng đầu thế giới đang theo đuổi các chiến lược riêng biệt.

Tuần trước, Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng "cần phải cảnh giác", bất kỳ nỗ lực tăng lãi suất nào cũng phải "phụ thuộc vào nhà nước và được dẫn dắt bởi những cải thiện bền vững trong thị trường lao động, các dấu hiệu của áp lực lạm phát kéo dài và những thay đổi trong lập trường về chính sách tài khóa".

Nhưng điều này trở nên mơ hồ khi mọi ngân hàng trung ương lớn đều nói rằng chính sách của mình đáp ứng các tiêu chí trên.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã thay đổi lập trường nới lỏng nhiều hơn cho lạm phát và ưu tiên nhiều hơn cho việc làm. Ngân hàng Trương ương Châu Âu ECB đang vướng vào cuộc tranh cãi về việc liệu có nên khoang dung hơn với bất kỳ mức tăng lạm phát vượt mục tiêu. Còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ đang chiến đấu vô ích để hồi sinh kỳ vọng tăng trưởng giá tiêu dùng.

Tại sao các ngân hàng trung ương không đồng thuận trong cách xử lý lạm phát? - ảnh 1

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực Eurozone, Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: FT.

Sự thay đổi chiến lược của Mỹ là quyết liệt nhất. Năm ngoái, chủ tịch FED Jerome Powell đã công bố một cơ cấu tiền tệ mới.

FED làm theo tín điều của mình là từ bỏ việc ưu tiên tăng lãi suất trong nhiều thập kỷ để ngăn chặn áp lực lạm phát tiềm ẩn, trong khi kiên quyết theo đuổi "toàn dụng lao động", một chiến lược mà FED lập luận rằng sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người Mỹ hơn, bao gồm cả người lao động có mức lương thấp và các nhóm thiểu số.

Điều này sẽ cho phép lạm phát vượt quá mức mục tiêu 2% trong một thời gian sau đợt giảm sâu kéo dài, với nỗ lực đảm bảo các công ty và doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài và vì thế sẽ chi tiêu nhiều hơn là tiết kiệm. Một trong những động lực của FED là tránh lặp lại lập trường của mình sau cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, khi chính sách thắt chặt làm chậm lại sự phục hồi kinh tế.

Ngày 1/6, quan chức của FED, Lael Brainard cho biết: "Tôi chú ý đến những rủi ro ở cả 2 phía của con đường được dự kiến". Bà sẽ "theo dõi cẩn thận" dữ liệu lạm phát để đảm bảo nó không phát triển theo "những cách không được chào đón", nhưng cũng "chủ ý đến những rủi ro thắt chặt quá sớm". Bà cảnh báo xu hướng trước đại dịch là "lãi suất cân bằng thấp, và thấp hơn cơ bản so với xu hướng lạm phát" có khả năng "tự định hình". 

Nhưng các nhà phân tích lo ngại chiến lược của FED được thiết kế cho một thế giới có chính sách tài khóa thận trọng, không phải thời đại dịch của việc vay và chi tiêu ồ ạt, và điều này có thể khiến FED không kịp trở tay nếu áp lực giá tăng lên. Mức tăng 3,1% chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào tuần trước đã củng cố những lo ngại này.

BOJ đã theo đuổi cam kết lạm phát vượt mức trong 5 năm qua nhưng thậm chí còn chưa tới gần được mục tiêu 2%. Đáng chú ý là tại Nhật có rất ít thay đổi sau đại dịch: lạm phát không thấy đâu trong khi tăng trưởng chi tiêu thì chậm chạp. Các hộ gia đình và công ty của Nhật Bản tin rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức gần 0, khiến BOJ không thể đạt được mục tiêu của mình.

Trong một bài phát biểu gần đây, thống đốc BOJ, Haruhiko Kuroda nói rằng: “Việc hình thành kỳ vọng lạm phát ở Nhật Bản bị ảnh hưởng sâu sắc không chỉ bởi tỷ lệ lạm phát quan sát được vào thời điểm đó mà còn cả những kinh nghiệm trong quá khứ và các tiêu chuẩn được xây dựng trong quá trình này”.

Tại sao các ngân hàng trung ương không đồng thuận trong cách xử lý lạm phát? - ảnh 2

Lãi suất của các nền kinh tế tiên tiến đã hạ về mức 0. Ảnh: FT.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của khu vực đồng euro đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi dữ dội khi ECB tiến hành xem xét lại chính sách của riêng mình. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 9.

Olli Rehn, thành viên hội đồng ECB và là thống đốc ngân hàng trung ương Phần Lan, gần đây cho biết: “Từ quan điểm về phúc lợi xã hội và kinh tế, thật hợp lý khi chấp nhận một thời kỳ lạm phát tăng cao nhất định, trong khi tính đến những lúc nó không tăng được theo kỳ vọng trong lịch sử”.

Nhưng Isabel Schnabel, một giám đốc điều hành của ECB, cảnh báo rằng điều đó sẽ rất rủi ro. Vào tháng trước, Schnabel nói rằng mặc dù ngân hàng trung ương không nên phản ứng quá mức nếu lạm phát tăng vọt sau khi trì trệ, nhưng bà "hoài nghi" về một mức lạm phát mục tiêu trung bình chính thức trong một khoảng thời gian nhất định.

Bà hỏi: “Khoảng thời gian mà giá trị trung bình được tính là bao lâu? Bao nhiêu trong số đó nên được bàn luận... Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta không nên làm theo một chiến lược như vậy".

Đối với một số nhà kinh tế, những bất đồng này nằm ngoài quan điểm: chính sách tiền tệ đã trở nên quá mở rộng khiến các ngân hàng trung ương thiếu các công cụ hữu hiệu để có thể làm gì đó hơn.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại BNP Paribas Asset Management, Richard Barwell, cho biết ECB gần như "hết đạn". Và lạm phát khu vực đồng euro trong tháng 5 chỉ tăng cao hơn mục tiêu gần nhưng vẫn dưới 2%, nên ECB cần đến chính sách tài khóa đầy tham vọng hoặc đơn giản là có thể may mắn đạt mức lạm phát mục tiêu trong thời gian dài.

Ông nói: “Trừ khi có một số biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ kiểu-Biden được thực hiện hoặc các cơn gió ngược lạm phát bất ổn đột ngột tan biến ở Châu Âu, thì số lượng kích thích tiền tệ cần thiết để đưa lạm phát lên trên 2% là. . . vượt xa những gì họ có thể làm".

Điều đó khiến Fed phải đứng trước một lựa chọn khó khăn trong những tháng tới. Lạm phát của Mỹ đang vượt quá mục tiêu, nhu cầu tràn lan và họ cần phải quyết định xem có nên áp dụng các biện pháp hãm lại một cách nhẹ nhàng hay không.

Các nhà hoạch định chính sách đang sẵn sàng mở một cuộc tranh luận có thể mất dần một số ủng hộ, nhưng họ không có dấu hiệu dao động khỏi khung chính sách mới của mình, nhấn mạnh rằng sự gia tăng lạm phát gần đây có thể chỉ là nhất thời, không mang tính liên tục.

Tuần trước, Phó chủ tịch FED Randal Quarles cho biết chính sách được thiết kế cho thế giới hiện nay với “tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động chậm, tăng trưởng tiềm năng thấp hơn, lạm phát cơ bản thấp hơn và do đó, lãi suất thấp hơn”.

Ông nói: “Tôi không lo lắng sẽ quay trở lại thời kỳ lạm phát giống những năm 1970".

Tiệp Nguyễn