Tâm điểm vĩ mô tháng 3: Lạm phát và tăng trưởng GDP quý I có thể tác động đến TTCK
4 biến số vĩ mô trong nước mà NĐT cần quan tâm
Chia sẻ tại chương trình "Điểm nhấn kinh tế vĩ mô và Tiền tệ quý I" diễn ra ngày 6/3, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, cho rằng ở thời điểm hiện tại có 4 biến số vĩ mô cần quan tâm bao gồm: Biến động tỷ giá, áp lực lạm phát trong nước, trạng thái thanh khoản và sức khoẻ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, biến động tỷ giá và thanh khoản hệ thống là những yếu tố tác động không nhiều đến chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại, chỉ có hai yếu tố áp lực lạm phát trong tháng 3 và GDP quý I có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Ông Báu cho hay hiện tỷ giá VND/USD đã vượt qua tỷ giá trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Tỷ giá tăng cao khiến thị trường rất lo ngại, nhưng khác với những lần trước lần này áp lực tỷ giá không quá lớn để NHNN can thiệp.
Lý giải về vấn đề này, ông cho biết có hai yếu tố khiến NHNN can thiệp là tỷ giá biến động quá mạnh so với vùng mục tiêu và tỷ giá chính thức chạm gần vào tỷ giá chào bán của NHNN. Trong trường hợp này, NHNN chưa cần thiết phải can thiệp bằng các công cụ bán dự trữ ngoại hối hay điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Khi nào NHNN can thiệp bằng các công cụ trên thì mới ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán còn không thì những biến động này không quá tác động đến thị trường.
Ông cũng cho rằng tình trạng lãi suất liên ngân hàng tăng nóng ở trước sau Tết là tín hiệu bình thường mang tính chất thời điểm. Lãi suất huy động vẫn có xu hướng giảm mặc dù mức độ giảm đã ít đi và không đồng đều các kỳ hạn. Vì vậy, khó có chuyện thanh khoản căng đến mức các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất.
Với yếu tố lạm phát, theo ông Báu lạm phát tháng 2 tăng cao chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi rơi vào Tết Nguyên đán. Với nền kinh tế toàn cầu yếu như hiện tại nếu không có biến động địa chính trị đủ lớn thì giá xăng dầu cũng khó có khả năng tăng đột biến.Lạm phát năm 2024 có thể đến từ yếu tố nhà ở, y tế,...
Sẽ không có chuyện CPI giảm mạnh mà sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo.Ngay trong tháng 3, mức tăng CPI có thể đạt tới 4,6%, cao hơn mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm nay. Do mức nền thấp của năm ngoái nên lạm phát so với cùng kỳ ở các tháng 3 - 6 sẽ có thể đạt từ 4,6 - 4,9%.
Từ đó, lạm phát có thể gây tâm lý tiêu cực và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Song nếu xét về trung và dài hạn nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm từ 4 - 4,5% vẫn sẽ đạt được. Là bởi, nửa năm sau của năm 2023 yếu tố giá tiêu dùng tăng rất mạnh vì giá lương thực, thực phẩm và giáo dục tăng sau hai năm kìm nén còn nửa sau năm nay không có những yếu tố này.
Tuy nhiên, câu chuyện lạm phát có thể gây tiêu cực về tâm lý đến thị trường trong quý II, điều này cũng làm cho đà giảm của lãi suất huy động bị ngưng lại. Đây là yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm, ông Báu lưu ý.
Với yếu tố cuối cùng là sức khoẻ nền kinh tế, hai chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và PMI cho thấy ngành sản xuất phục hồi vẫn chậm.
Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng 6 - 6,5%, ngành sản xuất phải tăng trưởng 11 -12% còn với mức tăng trưởng IIP hiện tại cho thấy nội lực của nền kinh tế vẫn rất yếu. Tương tự, PMI cũng phục hồi rất nhẹ cho thấy động lực cho tăng trưởng sản xuất còn hạn chế. Khu vực tiêu dùng vốn là điểm sáng trong nền kinh tế trong các năm trước đây cũng thu hẹp lại cho thấy trạng thái của nền kinh tế còn khó khăn.
Tổng kết lại, sản xuất còn yếu, tiêu dùng tăng trưởng chậm nên mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% sẽ gặp thách thức ngay từ quý I. Tuy nhiên, quý I là quý có GDP thấp nhất cả năm nên kỳ vọng các quý sau GDP sẽ tăng trưởng tốt hơn. Do đó, CEO Wigroup đánh giá sau sự hưng phấn vừa rồi thị trường có thể sẽ điều chỉnh để mang tính cân bằng hơn.
Tác động từ sự thay đổi chính sách của Fed
Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng này các nhà đầu tư sẽ cần quan tâm đến thông tin định hướng chính sách tiền tệ trong kỳ họp tháng 3 của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn.
Kịch bản cơ sở được VDSC đưa ra là các NHTW bao gồm Mỹ và phương Tây sẽ chỉ đảo chiều chính sách tiền tệ từ nửa sau của năm 2024, trong khi NHTW Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ chấm dứt thời kỳ siêu nới lỏng sớm hơn.
Các chuyên gia kỳ vọng trạng thái giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực trở lại khi dòng vốn từ các tài sản niêm yết bằng đồng USD bắt đầu tái phân bổ lại sau chính sách tiền tệ của các nước phương Tây đảo chiều và triển vọng nâng hạng thị trường của Việt Nam rõ ràng hơn sau khi các điểm nghẽn được tháo gỡ.
Việc nâng hạng thị trường theo phân loại của tổ chức FTSE khả năng cao phải lùi đến tháng 9 thay vì đợt xem xét tháng 3 tới đây do các tiêu chí liên quan tới “Thanh toán và bù trừ” vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả vận hành thử hệ thống KRX (điểm nghẽn kỹ thuật để tiến hành cơ chế thanh toán bù trừ) tích cực sẽ cũng cố niềm tin cho thị trường về một kịch bản vận hành chính thức trong tháng 5.