Tận dụng cơ hội từ EVFTA, EVIPA: Điều Tango phải có hai người

07:43 | 06/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là lối ví von về việc làm thế nào có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA và EVIPA của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trong buổi chia sẻ với báo giới về hai hiệp định quan trọng này.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA, EVIPA: Điều Tango phải có hai người - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánhchia sẻ với báo giới về EVFTA và EVIPA. Ảnh: Minh Hoa/DNVN.
Những câu hỏi mà báo giới đặt ra với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) cũng chính là sự phản ánh những lo ngại chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước nhất phải kể đến con số trên 70% doanh nghiệp không biết đến EVFTA và EVIPA (chưa nói là doanh nghiệp vận dụng được, vận dụng sâu và có hiệu quả) mà Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Tiếp đến là những lo ngại về nguy cơ hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu sang EU giống như một số mặt hàng nước ngoài đang đội lốt hàng Việt xuất khẩu. Nếu Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan không có giải pháp thường xuyên và kịp thời sẽ gây khó khăn rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Về xuất xứ hàng hóa trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu, sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất sang EU có ưu đãi chỉ cần vải làm ra ở Việt Nam, không nhất thiết phải là sợi. Điều này thuận cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng lại tác động tiêu cực tới doanh nghiệp Việt đang sản xuất sợi trước tình trạng doanh nghiệp may mặc nhập khẩu ồ ạt sợi từ Trung Quốc về. 

Chia sẻ cởi mở, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng những lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp đưa ra là rất xác đáng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có cái nhìn đa chiều, trong mối quan hệ kinh tế gắn kết giữa Việt Nam và EU từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. EVFTA và EVIPA là hiệp định tự do thế hệ mới với cam kết toàn diện và chất lượng cao. EU tin tưởng Việt Nam sẽ có đủ năng lực thực thi hiệp định và Việt Nam đã có nhiều chế tài phù hợp để giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, không phải bây giờ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành mới bắt tay vào việc tuyên truyền Hiệp định. Các thông tin về thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được Bộ Công Thương công bố từ cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Theo đó, với sự trợ giúp của Dự án MUTRAP do EU tài trợ, đã có rất nhiều tài liệu giải thích cam kết được xuất bản như “Cẩm nang hướng dẫn về EVFTA”, xuất bản tháng 6/2016, “EVFTA – Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam”, xuất bản tháng 6/2016… Các tài liệu này này tại hhtp://trungtamwto.vn/fta/247-an-pham---tai-lieu/1.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA, EVIPA: Điều Tango phải có hai người - ảnh 2
Nguồn: Internet. 
VCCI cũng đã có trang thông tin giới thiệu riêng EVFTA và EVIPA tới cộng đồng doanh nghiệp; xuất bản 5 cuốn sách về rà soát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các cam kết trong EVFTA và EVIPA.

“Doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 3 năm để nghiên cứu các cam kết trong EVFTA, EVIPA. Nếu doanh nghiệp nào chưa biết về nội dung hiệp định này là điều rất đáng tiếc”, ông Khánh nói.

Theo Trưởng đoàn đàm phán EVFTA, EVIPA, việc tuyên truyền, hướng dẫn thực thi các điều khoản trong EVFTA phụ thuộc rất lớn vào các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu, tận dụng được thời cơ từ EVFTA, EVIPA.

Về lo ngại hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam xuất khẩu, ông Khánh cho rằng hiện tượng này luôn xảy ra khi có một nước áp thuế cao với một nước khác. Đây là hiện tượng chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng cũng rất cần sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn về xuất xứ từ các cơ quan chức năng. Bộ Công Thương sẽ tiếp tụ phối hợp với VCCI và Bộ Tài chính nhằm phát hiện sự bất thường liên quan đến đội lốt hàng Việt để đề ra biện pháp xử lý phù hợp. Hoạt động rà soát này diễn ra hàng tháng dựa trên những gia tăng đột biến về kim ngạch xuất khẩu. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, Bộ Công Thương sẽ phối hợp để theo dõi kịp thời.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA và EVIPA, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ngoài việc các cơ quan chức năng phải vào cuộc tích cực, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nghiên cứu các cam kết và đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, giống như “nhảy Tango phải có hai người”.

Đưa ra dẫn chứng cho thành công của doanh nghiệp đến từ sự chủ động này, ông Khánh nói: “Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội như Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội Dệt may đã chủ động có các nghiên cứu riêng về EVFTA để phục vụ nhu cầu thông tin cho hội viên. Hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ có giải pháp tiếp cận thông tin để tận dụng hiệu quả cơ hội tư EVFTA và EVIPA”.

Ông cũng đưa ra lời khuyên: Cộng đồng doanh nghiệp Việt cần tự tin trước EVFTA, EVIPA và coi hàng rào kỹ thuật mà EU đưa ra thực chất là bảo vệ cho người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần tuân thủ và tôn trọng. Nhiều doanh nghiệp Việt trên lĩnh vực nông nghiệp làm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã và đang thành công tại các thị trường khó tính, trong đó có EU.