Tản mạn ngày Xuân về ngành điện
(DNVN) - Là người “ngoại đạo” nên tôi không biết, thậm chí không mấy quan tâm đến ngành “đi trước một bước” trong sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước - ngành điện. Cho mãi đến năm vừa rồi, nhờ một người bạn, tôi mới mắt nhìn, tai nghe về ngành điện, về thợ điện, về cái nghề quan trọng và gian khó này.
Trông trời, trông đất, trông mây
Ngành điện kết nối với nhau bằng ba bộ phận: Sản xuất - Truyền tải - Tiêu thụ. Trong đó, sản xuất là xây dựng các công trình, nhà máy, dự án tạo ra nguồn điện. Truyền tải là toàn bộ hệ thống cột, trạm, đường dây cao thế leo rừng lội suối chuyên chở điện từ nơi sản xuất về khắp các tỉnh thành, biên giới, hải đảo. Tiêu thụ bao gồm các Tổng Cty và Công ty điện lực “lo” trạm trung thế, hạ thế và hệ thống đường dây dẫn dày đặc như mắc cửi, hoặc trên không, hoặc dưới đất, nhằm điều phối, bán điện đến từng nhà.
Thời kỳ lạc hậu chỉ có các nhà máy nhiệt điện, tiếp đến là thủy điện, giờ là điện gió, điện mặt trời.
Cảm nhận đầu tiên của tôi (có thể võ đoán) rằng, thợ điện ở cả ba phân khúc ấy chả khác gì nông dân. Họ cũng tất bật đêm ngày, lên rừng xuống biển, dãi nắng dầm mưa, đầu đội trời, chân đạp đất để có điện cho đất nước phát triển và mang ánh sáng đến mọi nhà. Họ cũng “trông trời, trông đất, trông mây” để xây đập, kè hồ ở đâu, bắt dòng nước chảy theo ý mình; lắp turbine lấy gió ở vùng nào, đặt pin nơi mặt trời chiếu rọi nhiều nhất để tạo điện năng nhiều nhất có thể.
Cũng như nông dân, họ chịu tổn thất trực tiếp và khủng khiếp bởi thiên tai. Mực nước gần chết vài năm nay ở các hồ thủy điện là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Rồi đây, ai dám bảo đảm gió vẫn nhiều thế, mặt trời vẫn chiếu rọi hướng ấy để các turbine vẫn quay đều và pin vẫn no nhiệt để tạo điện? Sự nghiệp bắt nước, bắt gió, bắt ông mặt trời tạo ra điện năng, bao gồm cơ man trí tuệ, công sức và tiền của.
Bởi vậy, các nhà khoa học và đội ngũ thợ điện tài năng và tâm huyết, hãy vì sự nghiệp ngành điện vinh quang và gian khó, phấn đấu nhiều hơn nhé! Những người dùng điện mãi vinh danh những người thợ điện chân chính, luôn vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành trọng trách lớn lao “đi trước một bước” trên con đường xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta!
Một người gánh - gánh không đặng
Ngày cuối tháng Chạp Kỷ Hợi, chúng tôi tìm về huyện Yên Thành, Nghệ An. Trụ sở Công ty Điện lực Yên Thành vắng hoe. Giám đốc điện lực Hồ Sĩ Vĩnh cho biết mọi người đều đang tỏa về các thôn xã để kiểm tra và củng cố các trạm và đường trục nhằm bảo đảm đường điện tốt nhất có thể, phục vụ bà con vui Xuân đón Tết.
Anh cho biết mấy hôm nay, cứ 13 đến 14h anh em mới ăn trưa bởi phải làm theo lịch của truyền tải để đỡ cắt điện nhiều lần, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của bà con, tận dụng thời gian kiểm tra, chỉnh sửa hệ thống hạ thế. Điện ở làng xã chưa thật đồng bộ như hiện nay thì việc kiểm tra, chỉnh sửa lưới điện hạ thế nhiều vô kể, làm không xuể.
Đón chúng tôi ở xóm 11, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An là cựu chiến binh, Phó Bí thư chi bộ Nguyễn Kim Thành. Ông vui vẻ kể rằng, nửa năm nay, nhờ Công ty Điện lực Nghệ An đầu tư, chỉnh trang lại trạm, cột, đường điện nên điện ở xóm ông chả khác gì thành phố.
Ông chỉ cho chúng tôi thấy hai hàng cột điện to cao, vững chãi ven đường, cùng mạng lưới dây dẫn gọn gàng tản về 258 hộ dân. Ông giãi bày thêm, hệ thống điện từ 1992 đã cũ và quá tải nhiều lần nên chuyện thất thoát điện, nổ trạm, đứt dây xảy ra thường xuyên. Giờ thì điều đó không còn nữa. Hằng tháng vào ngày 22-25 bà con vui vẻ mang tiền điện nộp cho nhân viên ngành điện, khiếu kiện về điện cũng không còn.
Thế đấy, điện của một xóm, công việc thường ngày của một công ty Điện lực không thể tự mình làm được. Cả ngành điện cũng không thể một mình làm nên sự nghiệp mà phải có sự chỉ đạo, định hướng đầu tư phát triển ở tầm vĩ mô của Nhà nước, của Chính phủ. Giống như dòng điện, sự kết nối từ Trung ương đến địa phương, từ nội bộ ngành điện đến toàn xã hội phải đồng lòng, chặt chẽ, chắc chắn và thông suốt. Ngành điện mong thế và nhân dân mong thế!