Tăng cường chế tài phạt hành vi lẩn tránh và gian lận xuất xứ

09:42 | 10/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây một trong hàng loạt giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ sớm thực hiện để đối phó với vấn đề lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào nhiều FTA như CPTPP hay EVFTA.

Phát biểu tại buổi họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt với sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), hàng loạt nhóm sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường quan trọng đều đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất mạnh, duy trì ở mức 2 con số qua nhiều năm như dệt may, điện tử, thủy sản,…

Tuy nhiên, bên cạnh thu hút đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng một thị trường trung chuyển như Việt Nam cũng phải đối diện với “nguy cơ kép” rất lớn về lẩn tránh phòng vệ thương mại để lợi dụng những ưu đãi về xuất xứ từ các FTA.

Tăng cường chế tài phạt hành vi lẩn tránh và gian lận xuất xứ - ảnh 1
 Bộ Công Thương họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Trước yêu cầu cấp thiết tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg. Dự kiến, kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sẽ được Cục Phòng vệ thương mại trình lên Bộ trưởng trước ngày 15/7 tới đây.
Trước đó, Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA đã ký kết.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi, báo cáo để tích cực đề xuất, triển khai nhiều giải pháp ứng phó với vấn đề lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, ông Lê Triệu Dũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát, thẩm tra song tới nay nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng.
Hành vi lẩn tránh khá phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, ví dụ như thay vì chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cách hợp pháp thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp hầu như không sản xuất tại Việt Nam để gian lận xuất xứ, hưởng lợi thuế quan. Trong khi đó, khi xuất khẩu ra các thị trường khác như Mỹ và EU, cơ chế tự chứng nhận của doanh nghiệp có sự khác biệt nên dù hàng hóa Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh.
Tăng cường chế tài phạt hành vi lẩn tránh và gian lận xuất xứ - ảnh 2
  Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn  Anh.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tích cực, chủ động triển khai kế hoạch hành động để đối phó với vấn đề đặt ra trong quản lý gian lận xuất xứ, lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Trong đó, tập trung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài trong 3 nhóm biện pháp chính là cảnh báo sớm, đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa và hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi song song với sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ cũng như hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ khẩn trương tiến hành rà soát lại cơ chế, hệ thống cấp C/O để có kiến nghị, nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt với các hành vi gian lận xuất xứ và rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất, đặc biệt với nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý Cục Phòng vệ thương mại và các đơn bị thuộc Bộ Công Thương, bên cạnh các nhiệm vụ dài hạn, cần phải thực hiện ngay một số biện pháp trước mắt, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong nhiệm vụ chung, đồng thời đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền đóng vai trò then chốt, xuyến suốt để nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập và phòng vệ thương mại của Việt Nam, đồng thời cần sớm thành lập Tổ thường trực thực hiện Đề án hoặc giao Cục Phòng vệ thương mại làm đầu mối thực hiện kế hoạch cũng như Tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương chủ trì.