Tăng cường hợp tác để chuyển đổi số diễn ra thành công hơn

11:31 | 16/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyển đổi số - một cụm từ đang dần trở nên quen thuộc với doanh nghiệp trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp. Vậy để chuyển đổi số thành công, DN cần chú ý tới điều gì?

Phát biểu tại tọa đàm: “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của doanh nghiệp?” được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược, Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho rằng trong 5 năm vừa qua, hiệu quả chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ là chưa cao. 

Nhiều lãnh đạo tuy nhận thức được tầm quan trọng của quá trình số hóa nhưng chưa đặt việc này là ưu tiên hàng đầu. Đa số doanh nghiệp mới đang ở bước tin học hoá. Dù có những doanh nghiệp dẫn đầu chuyển đổi số song mới chỉ trong khâu dịch vụ khách hàng… Một nghiên cứu khác của IDC cũng chỉ ra, trong năm 2020 dù kinh tế thế giới tăng trưởng âm, chi tiêu cho chuyển đổi số dù có giảm nhưng vẫn tăng ở mức 2 con số là 10,4%. Con số này là ấn tượng nếu trong hoàn cảnh các doanh nghiệp phải "thắt lưng buộc bụng" với dịch bệnh. 

Các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số nhiều trong các giải pháp như: làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử cũng như tự động hóa quy trình.

Hình ảnh tại buổi tọa đàm. Nguồn: Báo Công thương  

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, để có thể chuyển đổi số thành công, thì có 3 nhóm yếu tố chính quyết định là con người, thể chế, công nghệ. Việc thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số. Nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. 

Khi tiến hành chuyển đổi, doanh nghiệp nên tập trung vào 4 trụ cột chính: 

Thứ nhất, nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng ở cấp độ từng cá nhân. Xây dựng trải nghiệm khách hàng. Tương tác với khách hàng qua nhiều kênh số hoá.

Thứ hai, tăng năng suất của đội ngũ nhân viên thông qua thiết lập môi trường làm việc thông minh, linh hoạt, an toàn cho đội ngũ nhân viên. Đồng thời, trang bị cho nhân viên các công cụ làm việc mọi lúc mọi nơi.

Thứ ba, tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp: tự động hoá và tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Thứ tư, chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhằm khai thác sức mạnh của dữ liệu để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới … mang đến các giá trị mới cho khách hàng.

Trong quá trình thực hiện, nhằm phục hồi nhanh hơn thì doanh nghiệp không thể làm một mình, hành trình này cần tăng cường quan hệ hợp tác, hiểu được đối tác làm được gì, để hợp lực với nhau, khắc phục được hạn chế về năng lực cũng như nguồn lực, đây là những phát biểu của ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia tại tọa đàm. 

Nên bắt đầu từ đâu?

Theo ông Denis, nhu cầu của khách hàng chính là sự bắt nguồn của chuyển đổi số. 

Tránh rủi ro, doanh nghiệp có thể thí điểm chuyển đổi số ở quy mô nhỏ, nếu thành công thì nhân rộng.Chia sẻ bài học chuyển đổi số từ Nestlé, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, chia sẻ doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số từ dưới lên (từ nhà máy) đến cấp quốc gia, cấp vùng, quốc tế. Tập trung phát triển và ứng dụng các cải tiến công nghệ, hướng đến nhà máy thông minh...

Liên quan đến vấn đề cách làm chuyển đổi số, nhiều chuyên gia cũng từng đưa ra quan điểm, trong đó có ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông đã từng đưa ra ý kiến trong hội thảo, tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số - Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” cũng do VCCI tổ chức. 

Theo ông Khương, lý do khiến doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại bắt nguồn từ việc lựa chọn giải pháp phần mềm không phù hợp với quy mô doanh nghiệp, hay chi phí cao không đáp ứng được nhu cầu tài chính của doanh nghiệp...

Do đó, ông gợi ý rằng DN nên đi từ những điều nhỏ nhất, từ bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là số hóa, tức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản hệ thống bên ngoài thành những dữ liệu dạng tín hiệu số được máy tính hiểu và lưu trữ rồi mới đi đến những bước cao hơn.

Để trợ giúp DN vừa và nhỏ đẩy nhanh quá trình số hóa, ông Khương cho biết thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cổng thông tin hỗ trợ, trong đó có tài liệu hướng dẫn, lộ trình, công cụ đánh giá và sự tư vấn cụ thể của chuyên gia để doanh nghiệp có thể vững bước trong quá trình chuyển đổi số.

 

Cơ hội và thách thức của DN khi chuyển đổi số sau đại dịch

Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á (SEA) năm 2020 được công bố vào tháng 11/2020 từ Google, Temasek và Bain&Company, nền kinh tế của Việt Nam đạt tăng trưởng 16% với trị giá 14 tỷ USD - cao nhất khu vực ASEAN. Nếu chuyển đổi số thành công, dự báo GDP đến 2045 của nước ta có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, với tác động bình quân đến tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong quá trình chuyển đổi số các doanh nghiệp đang phải đối mặt với không ít thách thức và khó khăn. Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Các yếu tố như thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa hoàn thiện và đáp ứng vai trò kiến tạo trong cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Nhiều vấn đề còn tồn đọng như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có nền tảng công nghiệp công nghệ cao. Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ sáng tạo, nhân lực chưa thực sự được quan tâm, tỷ lệ đầu tư thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Giai đoạn hậu COVID, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ phải trải qua thách thức từ nội tại khi đã suy yếu về “sức khoẻ” trong đại dịch. Phải nối lại hệ sinh thái, thiếu nguồn nhân lực trong khi nhu cầu của người dân, khách hàng doanh nghiệp suy giảm, đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài chuyển đi nước khác trong khu vực...