Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42%: Triển vọng đạt, vượt mục tiêu cả năm

Thùy Dung 15:31 | 29/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu, trong năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng hoàn thành và thậm chí vượt mức mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đưa ra tại Nghị quyết 01.

 

Số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước đạt 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tốc độ tăng cao nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021, tất nhiên do so sánh với nền tăng trưởng sụt giảm trong năm 2021 - thời điểm nước ta chịu tác động nặng nề từ làn sóng bùng phát đại dịch COVID-19.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của cùng kỳ năm 2020 và 5,74% của cùng kỳ năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019. 

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, đóng góp 48,33%; khu vực dịch vụ tăng 6,6%, đóng góp 46,6%.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thử thách, đáng chú ý là tác động từ chiến sự Nga - Ukraine và lập trường Zero COVID của Trung Quốc, mức tăng trưởng như vậy được các chuyên gia kinh tế đánh giá là cả một sự nỗ lực. 

 

Triển vọng tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu GDP

Tại Nghị quyết 01 của Quốc hội vào đầu năm 2022, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6-6,5%. Một số nhận định cho rằng với các chỉ tiêu kinh tế và đà phục hồi như hiện tại, Việt Nam có cơ sở vững chắc để hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 29/6, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều triển vọng sáng.

“Báo cáo mới nhất của World Bank vào tháng 6 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 2,9%, tuy nhiên riêng Việt Nam, World Bank lại nâng dự báo tăng trưởng từ 5,5% hồi tháng 1 lên 5,8%”, ông Lê Trung Hiếu viện dẫn dự phóng kinh tế gần đây của Ngân hàng Thế giới.

Theo vị này, Chương trình phục hồi phát triển KT-XH của Việt Nam đang dần đi vào thực hiện, đây là một động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nhìn lại năm 2021, Việt Nam chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, tăng trưởng quý III/2021 đạt -6,17%, hầu hết các ngành dịch vụ ghi nhận tăng trưởng âm; tăng trưởng cả năm đạt 2,58%. Sang năm 2022, với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, các ngành dịch vụ đã cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ, các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP lên cao.

“Những tín hiệu tốt của tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự phục hồi rất lớn của ngành dịch vụ cũng như toàn nền kinh tế… Với mức tăng trưởng 6,42% trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đang sơ bộ cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo phương án tăng trưởng cao mà Quốc hội giao năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được", ông Hiếu nhấn mạnh.

 

"Chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo phương án tăng trưởng cao mà Quốc hội giao năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được. Do tăng trưởng quý III/2021 là điểm rơi rất thấp nên dự báo tăng trưởng GDP quý III năm nay có thể rất cao và có khả năng tăng trưởng năm nay vượt con số mục tiêu 6,5%”

Ông Lê Trung Hiếu

Tuy vậy, ở góc nhìn thận trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt của môi trường kinh tế - chính trị toàn cầu, đặc biệt là diễn biến khó lường của chiến sự Nga - Ukraine và chính sách Zero COVID ở Trung Quốc. Những diễn biến khó dự báo này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Tương tự quan điểm của ông Lê Trung Hiếu, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay còn đối mặt nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhưng chưa đạt kỳ vọng, diễn biến thế giới còn phức tạp, khó lường. 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, bà Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết tâm chính trị trên toàn hệ thống trong triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ  thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, chủ động bám sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, xây dựng kịch bản để có giải pháp điều hành kịp thời với các tình huống phát sinh.

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhận định: “Với con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 6,42% mà Tổng cục Thống kê vừa công bố thì triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay là rộng mở”.

 

“Với con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 6,42% mà Tổng cục Thống kê vừa công bố thì triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay là rộng mở”.

TS. Nguyễn Minh Phong

Ông Phong cho hay triển vọng kinh tế trong nước nửa cuối năm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine và phản ứng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, khối Liên minh châu Âu… và diễn biến của dịch bệnh COVID-19 với các biến chủng mới. 

Tuy nhiên, ông Phong khẳng định có một điều chắc chắn rằng nếu không có các đột biến khách quan thì đà phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ ngày một tốt lên, quý sau tốt hơn quý trước. “Quý II đã tốt như vậy thì quý III, quý IV sẽ tốt hơn nữa. Chưa kể so sánh trên nền tăng trưởng năm ngoái, thời điểm quý III/2021 tăng trưởng -6,17%, là điểm rơi tăng trưởng, thì triển vọng tăng trưởng GDP quý III và hai quý cuối năm là rất khả quan”.