VCBS: Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm cao nhất 5,78%

Nguyễn Thị Thùy Dung 08:27 | 22/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự báo nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch nhưng đi kèm một số điều kiện không thuận lợi cho sản xuất như giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng và nguồn cung thiếu hụt; Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm từ 5,4% - 5,78%.

Sản xuất và tiêu dùng phục hồi, điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế

Về sản xuất, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 vừa qua ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%.

Dựa trên loạt dữ liệu về tăng trưởng doanh nghiệp và tình hình sản xuất, ác chuyên gia VCBS đánh giá nhìn chung, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh; cũng như phục hồi, mở rộng sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát. Điều này thể hiện rõ nhất ở chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 5 đạt 54,7 điểm với sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học giảm 6% so với tháng trước cho thấy rủi ro đến từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tác động này cũng được thể hiện tại số liệu xuất khẩu sản phẩm này giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tiêu dùng, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%). Trong tháng 5, mức tăng trưởng chủ đạo đến từ dịch vụ ăn uống, lưu trú và lữ hành. Nếu loại trừ yếu tố tăng trưởng doanh thu dịch vụ, thì cầu tiêu dùng vẫn hồi phục ở tốc độ chậm.

Về xuất nhập khẩu, ước tính trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9%. Như vậy, 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD. 

Đáng chú ý, một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào ghi nhận mức tăng đột biến giá trị nhập khẩu như xăng dầu, hóa chất, chất dẻo… 

Từ các yếu tố trên, VCBS đánh giá nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, tuy nhiên các yếu tố khó khăn, bất lợi đang có xu hướng tăng lên; đặc biệt là khi xét tới việc giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng và nguồn cung các sản phẩm này gặp gián đoạn trong vận chuyển kéo theo khả năng gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng.

Đưa ra dự báo cho nền kinh tế, nhóm chuyên gia điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt khoảng 5,56% - 6,5%, tương ứng với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm từ 5,4% - 5,78%.

VCBS cũng đồng thời điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 xuống mức 6,25% - 7,02% từ mức 6,8%-7,2% đưa ra hồi đầu năm nay.

Rủi ro về tăng trưởng chậm đi kèm lạm phát cao

Cũng theo số liệu TCTK, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. 

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Lạm phát cơ bản tăng 1,1%. 

VCBS dự báo chỉ số CPI tháng 6 có thể tăng 0,4%-0,5% so với tháng 5, tương ứng mức tăng 3,08%-3,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, cảnh báo áp lực lạm phát vẫn tồn tại đáng kể đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, giá dầu tăng cao trước các diễn biến địa chính trị khó lường trên thế giới. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến hiệu ứng lạm phát vòng hai do tác động tăng của giá nguyên liệu đầu vào.

Một báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa của World Bank vào tháng 4 dự báo giá năng lượng toàn cầu sẽ tăng 50% trong năm 2022 và sau đó duy trì mặt bằng giá trong năm 2023 và 2024. Trong khi đó, các mặt hàng như nông nghiệp hay kim loại được dự báo tăng 20% trong năm 2022 và sau đó tăng nhẹ năm 2023 và 2024. Dựa trên những triển vọng này, VCBS chỉ ra rằng các tín hiệu đang khẳng định lạm phát không còn là diễn biến tạm thời ngắn hạn như các đánh giá năm 2021.

Một tín hiệu đáng lưu tâm khác là chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt đến những kết quả đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát. Như vậy, xu hướng đồng USD lên giá so với ngoại tệ mạnh khác tiếp tục duy trì; có nguy cơ tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. 

“Điều này cho thấy bài toán khó đối với các ngân hàng trung ương khi đảm bảo mục tiêu liên quan đến lạm phát và sự cân đối trong tương quan về chính sách tiền tệ so với các quốc gia khác trên thế giới khi nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ”, VCBS đánh giá.

Theo nhóm chuyên gia, trong giai đoạn này ưu tiên hàng đầu về chính sách của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi các yếu tố bất định gia tăng. Tuy nhiên, việc giá cả nguyên nhiên vật liệu hàng hóa trên thế giới tăng nóng cũng hạn chế phần nào khả năng can thiệp của nhà điều hành khiến dự báo các mục tiêu điều hành gặp nhiều thách thức. 

“Nhìn chung nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại đáng kể đi kèm với lạm phát cao trong khoảng thời gian dài hơn so với những dự báo trước đây”, báo cáo của VCBS nêu rõ.

 

Liên tiếp gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay trong bối cảnh diễn biến toàn cầu nhiều thách thức.

Cụ thể, World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 chỉ đạt khoảng 5,3% ở kịch bản cơ sở; giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021. Ngân hàng HSBC hồi tháng 4 vừa qua cũng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% từ mức dự báo 6,5% trước đó.