Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019-2020: Giảm nhẹ nhưng còn nhiều rủi ro
Tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2019, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.
Đáng khích lệ là tăng trưởng không làm gia tăng áp lực lạm phát. Lạm phát bình quân giữ ở mức 3,5% trong năm 2018 cũng giống như 2017, vẫn dưới mục tiêu 4,0%.
“Lạm phát cơ bản bình quân 1,5%, chỉ thay đổi một chút so với năm trước. Mặc dù phí dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông vận tải đều tăng, góp phần tăng áp lực lạm phát trong mười tháng đầu năm, song áp lực này đã giảm nhờ giá dầu trên thị trường thế giới giảm, và chính phủ đã lùi kế hoạch tăng giá điện và thắt chặt hơn chính sách tiền tệ”, Báo cáo chỉ rõ.
Cùng với đó, vị thế kinh tế đối ngoại cũng được củng cố. Tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, tăng từ mức tương đương 2,9% GDP trong năm 2017 lên khoảng 3,0%, nhờ thặng dư cán cân thương mại khoảng 7 tỷ USD và doanh thu dịch vụ ổn định. Luồng vốn FDI và đầu tư gián tiếp đáng kể đã nâng mức thặng dư tài khoản vốn ước tính lên tương đương 6,0% GDP.
Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
"Tăng trưởng sẽ tiếp tục toàn diện, nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhu cầu trong nước bền vững", ông Eric Sigwik nói.
Còn rủi ro cả trong lẫn ngoài
Nhấn mạnh về những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam, Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2019 cho rằng yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Những nền kinh tế lớn của thế giới – vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – đang suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Ở trong nước, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.
Dù Việt Nam có thể hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài, ADB cho rằng các lợi ích này sẽ không thể hiện ngay lập tức. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ năng suất lao động đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các rủi ro nội địa cũng sẽ thành hiện thực nếu quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước chậm lại.
Trả lời câu hỏi liên quan đến động thái tăng giá điện và giá xăng vừa qua của Việt Nam, ông Eric Sidgwick nhận định, đây là những lĩnh vực được Chính phủ kiểm soát và điều chỉnh, và việc điều chỉnh gần đây nhằm làm giảm tác động đến ngân sách.
Theo ông Eric Sidgwick, đây không phải là mức tăng quá mạnh nhưng sẽ phải theo dõi chặt chẽ. Việc tăng giá là cần thiết bởi nếu không tăng giá, người tiêu dùng và doanh nghiệp không trả chi phí này thì Chính phủ phải trợ giá, quan trọng là xác định thời điểm điều chỉnh. Việc điều chỉnh là tích cực, không tác động quá lớn tới nền kinh tế, tuy có tác động tới lạm phát.