Tăng trưởng `thần kỳ`, Việt Nam công bố chính sách nức lòng triệu dân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin gói hỗ trợ 26.000 tỷ với người lao động
Ngày 1/7, Chính phủ thông qua Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 68 tập trung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, mà chủ yếu nhất là công nhân và người lao động trực tiếp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết 68 đều lưu ý đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do bởi đây là những người bị ảnh hưởng sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất. Thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ lần đầu theo Nghị quyết 42 năm 2020, việc thực hiện rất khó khăn.
Việc thực hiện Nghị quyết 68 lần này, trong một vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ nhiều khó khăn thực tế đã bộc lộ khi thực hiện Nghị quyết 42 năm 2020. Tinh thần đề ra, theo Bộ trưởng, là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ tục để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách.
GDP tăng 5,64% bất chấp đại dịch Covid-19
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64% - mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
"Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 202" - Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.
Theo Tổng cục Thống kê, để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cùng với đó, chúng ta nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc xin trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 5,6% trong 6 tháng đầu năm bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
GDP tăng cao nhưng không bất thường
Số liệu tăng trưởng GDP quý II là 6,61% và 6 tháng là 5,64% được công bố trong bối cảnh Việt Nam luôn phát hiện các ca bệnh tại các trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn cả nước như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Điều này dấy lên những ý kiến trái chiều về sự chính xác của các con số.
Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - giải thích, kết quả tăng trưởng quý II và 6 tháng so sánh với mức tăng GDP của quý II/2020 ở mức rất thấp, do thời điểm đó Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng rất thấp.
Đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, kết quả nói trên không có gì bất thường . Tuy vậy, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 6,1% sẽ là thách thức rất lớn. Theo đó, 6 tháng cuối năm cần đạt mức tăng GDP là trên 7%.
Chính phủ áp dụng biện pháp mạnh, vực dậy "sức khỏe" nền kinh tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong số 5 mục tiêu đề ra, Chính phủ phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể.
Bộ Y tế được giao nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vắc xin.
Thủ tướng nói nhiệm vụ ở "điểm nóng" TPHCM và kịch bản tăng trưởng kinh tế
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa diễn ra hôm 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tới thời điểm này vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có nơi, có lúc lại phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Thủ tướng lấy ví dụ Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch.
"Ngay trong một địa phương như TPHCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế" - Thủ tướng yêu cầu.
Trong phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã được Quốc hội và Chính phủ giao, cụ thể:
Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).
Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
"Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ"
Cũng về vấn đề trên, TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng, con số GDP 6 tháng tăng 5,64% khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Song theo ông, con số này phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Ông cũng cho rằng 6 tháng cuối năm, kinh tế có thể sẽ "căng hơn" khi dịch bệnh kéo dài.
Theo ông Du, con số này phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Vì cơ bản có một bộ phận rất khó khăn vì dịch bệnh nhưng không phải tất cả. Đa số các hoạt động kinh tế không quá khác biệt nhiều so với thời điểm trước khi có dịch.
"Những sai số về tính toán luôn là chuyện muôn thuở trong thống kê, nhất là ở Việt Nam. Tôi thừa nhận có những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận tải, du lịch, nhà hàng... Nhưng phải xem tỷ trọng những ngành này chiếm bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế", ông Du nhìn nhận. Rõ ràng không phải toàn bộ nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đa số vẫn duy trì chứ không hẳn phải đóng cửa triền miên, tê liệt đến vài tháng, nửa năm...
Vị chuyên gia từ Fulbright khẳng định: Việt Nam đạt được kết quả kinh tế như hiện nay và kết quả chống dịch vẫn hết sức tích cực, cho dù ở giai đoạn khó khăn nhất, nhưng so với nhiều nước khác thì mức độ nghiêm trọng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều, là do cách chống dịch rất Việt Nam, thấy vậy mà không phải vậy.
Theo Dân trí
Xem thêm: Bất chấp đại dịch COVID-19, GDP 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,64%