Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam: Ngọn cờ đầu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế

11:11 | 02/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) được xem như một ngọn cờ đầu trong nền kinh tế Việt Nam, là tập đoàn tiên phong trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Một nóng cốt hạt nhân đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển.

Quá trình hình thành và phát triển của Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

 
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh PetroVietnam) là tập đoàn dầu khí quốc gia trực thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc phát hiện, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam. PVN có trụ sở chính tại 18 Láng Hạ - Ba Đình - Hà Nội.
 
PVN Là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
 
Với một đội ngũ lao động hung hậu với số lượng gần 60.000 người, có trình độ cao và làm chủ hoạt động dầu khí trong và ngoài nước, hiện Tại Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp Khí- Điện- Chế biến và dịch vụ dầu khí , góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
 
Năm 1959, theo đề nghị chính phủ Việt Nam, Chính Phủ Liên Xô, Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia địa chất dầu khí Kitovani S.K. sang Việt Nam cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tiến hành khảo sát địa chất dầu khí ở miền Bắc Việt Nam.
 
Sau hai năm 1959 - 1961, đã hoàn thành công trình tổng hợp đầu tiên ở nước ta, đó là “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
 
Trên cơ sở công trình này, ngày 27/11/1961, Tổng cục địa chất đưa ra quyết định số 271- ĐC thành lập Đoàn thăm dò lửa 36 ( hay được gọi Đoàn Địa chất 36 hay Đoàn 36), đây là tổ chức đầu tiên có nhiệm vụ tìm kiến, thăm dò dầu khí của Việt Nam. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, hoạt động của Đoàn 36 ngày càng lớn mạnh.

Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam: Ngọn cờ đầu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tếTập Đoàn dầu khí được xem là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế Việt Nam

Ngày 9/10/1969, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 203/CP thành lập Liên đoàn Địa chất 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất, có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch và triển khai nghiên cứu tìm kiếm thăm dò dầu khí trong nước, nhất là tập trung ở đồng bằng sông Hồng.

Tháng 3/ 1975 đã phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensat có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải - Thái Bình. Năm 1981, bắt đầu khai thác những mét khối khí đầu tiên của Việt Nam từ mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình này.
 
Ngay sau khi Việt Nam thống nhất, ngày 9/8/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 244/NQTW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.
 
Ngày 3/9/1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Liên đoàn Địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hoá chất, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam. Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam và ở một số lô thềm lục địa Nam Việt Nam. Đã có nhiều phát hiện dầu khí ở trên đất liền và ở thềm lục địa.
 
Cùng với sự phát triển của đất nước, tổ chức ngành Dầu khí Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Ngày 9/9/1977, Chính phủ ra Quyết định số 251/CP thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, gọi tắt là Petrovietnam, trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.
 
Ngày 3/7/1980, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ) ký Hiệp định hợp tác tìm kiếm thăm dò
 
Trong năm 1990, đồng thời với việc sáp nhập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam vào Bộ Công nghiệp nặng, ngày 6/7/1990, Chính phủ ra Quyết định số 250-HĐBT về việc thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
 
Ngày 14/4/1992, Chính phủ ra Quyết định số 125-HĐBT về việc đặt Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.
 
Ngày 29/5/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 37-CP về tổ chức Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam và Quyết định số 330/TTg về việc thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Oil and Gas Corporation, viết tắt là Petrovietnam. Cơ cấu tổ chức gồm Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc, các đơn vị thành viên Tổng công ty.
 
Ngày 29/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tên giao dịch quốc tế là Vietnam Oil and Gas Group gọi tắt là Petrovietnam, viết tắt là PVN. Tại Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Oil and Gas Group.
 
Tháng 10/2010 Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định chuyển tư cách pháp nhân của Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
 
Là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay Tập đoàn đang triển khai thực hiện hoạt động dầu khí tại 14 nước trên thế giới.
 
Là nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Nghi Sơn - Thanh Hoá... Là đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành Dầu khí; là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển; đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Các công ty thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam

 
Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam là tổ hợp doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, là công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I), chi phối và định hường hoạt động của các doanh nghiệp trong tập đoàn, bao gồm:
 
PVN: là công là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng và được mở tài khoản tại ngân hàng, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo, doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết.
 
Tập đoàn có 6 ngành nghề kinh doanh chính, 7 ngành nghề liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên của PVN là 177,628 ngàn tỷ VND. Nhà nước là chủ sở hữu của PVN. Tổng Giám đốc PVN là người đại diện theo pháp luật của PVN.
 
Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam: Ngọn cờ đầu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
Các công ty trực thuộc PVN cũng là những điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam

Các Tổng công ty/công ty/doanh nghiệp do PVN năm giữ trên 50% điều lệ:
 
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas)
Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)
Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans)
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank)
Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo)
Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY )
Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro)
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC)
Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP)
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)
Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling)
 

Vượt qua khủng hoảng: PVN giữ vững vị trí hàng đầu các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

 
Năm 2020 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có năm thứ 10 liên tiếp nằm trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
 
Nhiều đơn vị ngành đàu khí cũng đạt được vị trí cao, như BSR ở vị trí số 11, PVOIL vị trí thứ 15, PV GAS vị trí thứ 16, Vietsovpetro vị trí 28, PVEP vị trí 39 và PV Power ở vị trí 40.
 
Bên cạnh đó, Petrovietnam liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (2018, 2019, 2020). Đặc biệt, PVN tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+.
 
Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam: Ngọn cờ đầu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công của PVN

Năm 2020, mặc dù thắng lợi khá toàn diện, song sản xuất kinh doanh của PVN vẫn có những khó khăn khách quan. Là năm khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của PVN, vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử dầu khí thế giới. Tuy nhiên, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm của PVN đối với đất nước, ngay từ đầu năm, với phương châm chỉ đạo xuyên suốt “Quản trị biến động - Tối ưu giá trị - Đẩy mạnh tiêu thụ - Nỗ lực vượt khó - Nắm bắt cơ hội - An toàn về đích”. PVN đã kịp thời ban hành và thực hiện có hiệu quả gói giải pháp ứng phó và chính thức vượt qua “khủng hoảng kép”, hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu quan trọng của năm 2020, tạo tiền đề phát triển cho những năm tới.
 
Năm 2020 PVN đã hoàn thành chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí 15 triệu tấn quy dầu trước 6 tháng; sản lượng khai thác dầu đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3; sản xuất xăng dầu đạt 11,87 triệu tấn; sản xuất đạm đạt 1,8 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch; sản xuất điện đạt 19,17 tỷ kWh...
 
Nhờ đó, trong khi nhiều tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế lâm vào cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản, giá dầu thô trung bình năm 2020 chỉ đạt 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với giá kế hoạch (60 USD/thùng), trong năm 2020, Petrovietnam vẫn nộp ngân sách nhà nước 83 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách nhà nước.
 
Năm 2021, ngành dầu khí đã thấy trước những khó khăn như: Giá dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu được dự báo diễn biến khó lường và duy trì ở mức thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm. Các yếu tố này sẽ khiến nguồn thu của PVN tiếp tục bị ảnh hưởng; các đơn vị thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất và phân phối sản phẩm xăng dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp trong hoạt động.
 
Để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, PVN đang tập trung dự báo các vấn đề về kinh tế - xã hội để xây dựng kịch bản dự phòng, trên cơ sở đó xây dựng các định hướng quản trị để hạn chế đà suy giảm, đồng thời lấy lại đà tăng trưởng. PVN cũng tiếp tục rà soát chi phí để tối ưu, tiết giảm chi phí vận hành, cân đối sản lượng giữa các mỏ sẵn sàng ứng phó với kịch bản giá dầu thấp hơn dự kiến; tiếp tục chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị tham gia vào các chuỗi giá trị từ khai thác - chế biến - vận chuyển - phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, PVN sẽ tích cực triển khai xây dựng phương án số hóa toàn diện cơ sở dữ liệu để ứng dụng quản trị trên nền tảng số nhằm tiết giảm chi phí quản lý, vận hành.
 
Với những gì đã làm được trong năm 2020, chắc chắn, năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Nhân dân.


Nguyễn Dung