Tập đoàn Siemens (Đức) muốn đầu tư vào đường sắt Bắc Nam có quy mô ra sao?
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 26/2 Ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Siemens (Đức), bày tỏ quan tâm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam , có thể cung cấp giải pháp về đầu máy, toa xe. Ông Roland Busch đồng thời cho biết có thể cung cấp hệ thống tín hiệu đường sắt, chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Tập đoàn Siemens làm ăn ra sao?
Siemens là tập đoàn lớn của Đức, có nhiều kinh nghiệm và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng thông minh. Tập đoàn có 320.000 nhân viên, doanh thu toàn cầu 78 tỷ euro vào năm 2023. Tại Việt Nam, Siemens thành lập văn phòng đại diện từ năm 1993, với ba chi nhánh văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và một nhà máy sản xuất tại Bình Dương.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Siemmens theo năm tài khóa (kết thúc vào ngày 30 9) được công bố vào tháng 11 năm 2023, Tập đoàn này lập nhiều kỷ lục mới với doanh thu 77,8 tỷ euro và lãi ròng là 8,5 tỷ euro.
Một thành tích phá kỷ lục trong lịch sử hoạt động kinh doanh của Siemens là doanh thu cả năm đã tăng 11%, đạt mức cao nhất trong dự báo tăng trưởng của tập đoàn (9 - 11%). Lợi nhuận và lãi ròng từ mảng kinh doanh công nghiệp đều đạt mức kỷ lục mới, đạt 11,4 tỷ euro (so với năm tài khóa 2022 là 10,3 tỷ euro); biên lợi nhuận của mảng kinh doanh này cũng tăng lên 15,4% (so với năm tài khóa 2022 là 15,1%).
Đơn đặt hàng trong năm tài khóa 2023 tăng 7% đạt 92,3 tỷ euro (so với năm tài khóa 2022 là 89 tỷ euro). Doanh thu trong năm tài khóa 2023 tăng 11% đạt 77,8 tỷ euro (so với năm tài khóa 2022 là 72 tỷ euro).
Dòng tiền tự do của Tập đoàn Siemens đạt mức kỷ lục là 10 tỷ euro (so với năm tài khóa 2022 là 8,2 tỷ euro). Lợi nhuận ròng đạt gần như gấp đôi, đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử là 8,5 tỷ euro (so năm tài khóa 2022 là 4,4 tỷ euro).
Nhờ vậy mà các cổ đông cũng được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh vượt trội của tập đoàn. Ban Giám sát và Điều hành của tập đoàn đề xuất tăng cổ tức từ 4,25 euro trong năm tài khóa 2022 lên 4,70 euro/cổ phiếu. Giữ phần lớn cổ phần trong công ty niêm yết đại chúng là Siemens Healthineers, Siemens đồng thời là nhà cung cấp công nghệ y tế và dịch vụ y tế số hàng đầu thế giới.
Triển vọng cho năm tài khóa 2024, Siemens dự kiến tăng trưởng doanh thu từ 4-8% trên cơ sở so sánh và thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu trước khi hạch toán phân bổ giá mua, không bao gồm khoản đầu tư từ Siemens Energy, trong khoảng từ 10,40-11 euro.
Siemens trúng thầu lớn kỷ lục xây dựng đường sắt cao tốc cho Ai Cập
Trong năm 2023, Tập Siemens của Đức gây chú ý khi trúng gói thầu lớn kỷ lục xây dựng đường sắt cao tốc. Cụ thể, ngày 28/5, tập đoàn này thông báo đã trúng gói thầu có giá trị lớn nhất từ trước tới nay để xây dựng một trong những mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới cho Ai Cập.
Được biết, gói thầu có giá trị cao kỷ lục 8,1 tỷ euro mà Siemens Mobility - công ty con và quan trọng nhất của tập đoàn Siemens, ký với Chính phủ Ai Cập cùng hai tập đoàn lớn của Ai Cập là Orascom Construction và The Arab Contractors, sẽ xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài 2.000km ở Ai Cập.
Với hợp đồng ký kết, Siemens Mobility sẽ cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng và 41 đầu tàu kéo hàng.
Ngoài ra, 8 nhà ga cũng sẽ được xây dựng cùng hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.
Chủ tịch Siemens, ông Roland Busch, cho biết với những công nghệ mới nhất cùng mình, Ai Cập sẽ sở hữu hệ thống đường sắt lớn thứ 6 và hiện đại nhất thế giới, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng xe bus và ôtô hiện tại.
Mạng lưới đường sắt sẽ kết nối 60 thành phố ở Ai Cập, với các tàu cao tốc có tốc độ tới 230km/h.
Bản siêu hợp đồng này sẽ giúp tạo ra khoảng 40.000 công ăn việc làm ở Ai Cập, bên cạnh gần 7.000 việc làm ở các nhà cung cấp khác của Ai Cập và các ngành kinh tế khác.
Khi mạng lưới được hoàn thiện, khoảng 90% dân số Ai Cập có thể tiếp cận sử dụng hệ thống mới này.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi mô tả mạng lưới đường sắt mà nước này đang xây dựng là sự mở rộng giá trị hệ thống giao thông vận tải của Ai Cập, mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ thống đường sắt ở Ai Cập, châu Phi và Trung Đông.
Tập đoàn Siemens trình làng mẫu tàu chạy bằng hydro
Trước khi trúng gói thầu lớn xây dựng đường sắt cao tốc cho Ai Cập, Tập đoàn Siemens của Đức đã ra mắt mẫu tàu đầu tiên chạy bằng hydro do họ phối hợp phát triển với Công ty điều hành đường sắt nội địa Deutsche Bahn.
Sản phẩm mới thân thiện với môi trường của Siemens và Deutsche Bahn có tên gọi Mireo Plus H, chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Loại pin này sản sinh ra điện sạch từ các phản ứng sử dụng hydro và oxy, với chỉ phát thải nước.
Trong khi hầu hết hydro hiện nay đến từ ngành khí đốt, Mireo Plus H chỉ sử dụng "hydro xanh" đến từ nguồn năng lượng bền vững.
Thông báo của Công ty Deutsche Bahn cho biết, đầu máy chạy bằng điện sinh ra từ pin nhiên liệu hydro có thể thay thế cho các tàu hỏa chạy bằng dầu diesel trong hoạt động vận tải tại châu Âu, và mẫu mới này sẽ giúp giảm phát thải carbon trong ngành đường sắt xuống mức 0.
Ông Michael Peter, phụ trách Siemens Mobility, đơn vị dẫn đầu mảng cung cấp các giải pháp vận tải trong 160 năm qua, cho biết mỗi con tàu chạy bằng hydro sẽ giúp hạn chế xả thải tới 45.000 tấn CO2 trong vòng 30 năm.
Siemens hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Siemens đã tham gia dự án điện mặt trời ước tính đóng góp 1 tỷ kWh điện vào hệ thống điện của quốc gia mỗi năm; là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp truyền tải điện hiệu quả, đã cung cấp thiết bị và giải pháp bảo vệ và tự động hóa cho hàng trăm trạm biến áp 110 kV-220 kV và hàng chục trạm 550 kV tại Việt Nam; thúc đẩy tự động hóa và số hóa tại Việt Nam như giúp Tân Cảng Sài Gòn tối đa năng suất, giảm thời gian giải phóng tàu....
Về hợp tác giao thông vận tải, Siemens đã có các dự án hợp tác với Việt Nam như dự án nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Ga Vinh, Dự án thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; dự án hệ thống chiếu sáng đường Sân bay Nội Bài; dự án cung cấp hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương và Siemens đã ký MOU về phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực điện khí, năng lượng tái tạo.