Tên lửa khổng lồ của Trung Quốc sắp rơi, các chuyên gia nhận định mức độ nguy hiểm nhỏ

18:52 | 08/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đa số các chuyên gia trên thế giới đều nhận định, cơ hội để các mảnh vỡ của lõi tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) rơi xuống khu vực có người ở là rất nhỏ.

Trung Quốc phóng mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ "Thiên Cung" hôm 29/4 bằng tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B). Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã được định trước trên biển, lõi của tên lửa Trường Chinh 5B bị mất kiểm soát và rơi xuống Trái đất không theo lộ trình, dự kiến trong tuần này sẽ va chạm.

Theo Business Insider, lõi tên lửa Trường Chinh 5B nặng 21 tấn, dài khoảng 30m và rộng khoảng 5m. Nó xoay quanh cứ Trái đất mỗi 90 phút với tốc độ khoảng 27.600km/h và ở độ cao hơn 300km.

Theo nhà thiên văn vật lý Jonathan McDowell đến từ Trung tâm vật lý thiên văn Harvard–Smithsonian ở Mỹ, khi lao qua khí quyển Trái đất, vật thể trên có thể bị thiêu cháy, nhưng nhiều khả năng vẫn còn mảnh lớn tên lửa sót lại và có khả năng gây hư hại.

Tên lửa khổng lồ của Trung Quốc sắp rơi, các chuyên gia nhận định mức độ nguy hiểm nhỏ - ảnh 1

Tên lửa Trung Quốc phóng đi hôm 29/4.

Chính phủ Mỹ cho biết, họ hoàn toàn có thể bắn hạ lõi tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đang rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, quân đội Mỹ không có kế hoạch bắn hạ lõi tên lửa 21 tấn này.

"Chúng tôi hy vọng nó sẽ rơi xuống một vị trí nào đó không gây thương vong cho bất kỳ ai, trên biển hoặc một nơi nào đó như vậy", ông Lloyd Austin nói.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ QP Mỹ John Kirby nhấn mạnh rằng, còn quá sớm để cân nhắc các lựa chọn có thể thực hiện cho đến khi chúng tôi biết rõ hơn về nơi tên lửa sắp lao xuống.

Lầu Năm Góc cũng xác nhận họ từ chối làm việc này cho dù các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi xuống bề mặt Trái Đất sớm hơn dự kiến.

Trong khi đó, một nguồn tin làm việc cho chương trình không gian của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ chuyển động của các mảnh vỡ lõi tên lửa.

Wang Ya'nan, tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge, nói thêm rằng hầu hết các mảnh vỡ sẽ bốc cháy trong quá trình tái nhập bầu khí quyển của Trái đất, chỉ để lại một phần rất nhỏ có thể rơi xuống mặt đất, những phần này có khả năng sẽ rơi xuống khu vực an toàn, cách xa các khu hoạt động của con người hoặc trên biển.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhong Ping cũng chung nhận định trên.

AFP lưu ý, những vật thể như mảnh tên lửa Trung Quốc thường bị tiêu hao do nhiệt vì ma sát tăng lên khi đi vào bầu khí quyển ngày càng dày của Trái đất. Nhưng lõi tên lửa Trường Chinh 5B quá lớn (21 tấn) nên khó có khả năng cháy hoàn toàn.

Mặc dù vậy, Florent Delefie, nhà thiên văn học tại Đài quan sát Paris-PSL vẫn nhận định, cơ hội để các mảnh vỡ rơi xuống khu vực có người ở là rất nhỏ, có thể là một phần một triệu.

Theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B dự kiến sẽ rơi tự do xuống Trái Đất trong ngày 8/5 (giờ Mỹ).

Xem thêm: Khẳng định vaccine Sinopharm do Trung Quốc phát triển an toàn, WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp

Tùy Ý