Thành lập Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế

10:54 | 30/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vừa ký Quyết định thành lập Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo.

Thành lập Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế - ảnh 1
Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Nguồn: Internet.
Tổ thư ký gồm 26 thành viên, do ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng.

Chức năng, nhiệm vụ của Tổ thư ký bao gồm:

Tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Phối hợp với chuyên gia, nhà khoa học được mời để tham mưu, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo đánh giá, giám sát kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tham mưu, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động và quyết định, kết luận của Ban Chỉ đạo; thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực và Phó Trưởng ban giao.

Được biết, theo Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về phần việc được phân công. Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền cho Phó Trưởng ban Chỉ đạo xử lý những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực được phân công.

Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần và các phiên họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp.

Các thành viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia và chuẩn bị nội dung báo cáo theo quy định. Trường hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia không thể tham dự phiên họp phải ủy quyền cho người có trách nhiệm tham dự.