Thành viên HĐQT cho FLC vay tín chấp 621 tỷ đồng là ai?

11:57 | 02/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tiết lộ khoản vay ngắn hạn đối với ông Lê Thái Sâm - tân thành viên HĐQT vừa được bổ nhiệm đầu tháng 7/2022. Vị đại gia này đang nhận được nhiều sự quan tâm khi vô cùng bí ẩn và kín tiếng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của FLC cho thấy số tiền trả nợ gốc vay trong 6 tháng đầu năm nay là 3.814 tỷ đồng, trong khi đó tại cùng kỳ năm 2021 là 1.801 tỷ, tức tăng khoảng 112%. Tập đoàn FLC đã đi vay mới 2.751, đồng thời vay tín chấp 870 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm.

Theo thông tin từ FLC, ông Sâm đã ký 4 hợp đồng trị giá tổng cộng 870 tỷ đồng cho doanh nghiệp này vay tín chấp, với thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 7%/năm. Các hợp đồng cho vay này được ký liên tiếp trong tháng 4, 5 và 6 vừa qua. Trong kỳ, FLC đã trả bớt 249 tỷ đồng, dư nợ còn lại là 621 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2022.

Ông Lê Thái Sâm - người duy nhất đeo khẩu trang trong hình chụp với ban lãnh đạo FLC tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây.

Ông Lê Thái Sâm là một trong ba thành viên HĐQT FLC mới được bổ nhiệm ngày 2/7/2022. Trong biên bản đại hội cổ đông bất thường năm 2022 lần hai của FLC, ông Sâm có số phiếu bầu cao nhất, đạt 265,9 triệu cổ phần, tương đương 100,26% (bầu dồn phiếu) số cổ phần tham dự đại hội.

Mặc dù là nhân vật quan trọng trong HĐQT FLC, thông tin công bố từ FLC cũng cung cấp rất ít chi tiết về vị sếp mới này. Theo giới thiệu từ FLC, ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, quê ở Quảng Ngãi. Năm 1986, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TP HCM. Ông có kinh nghiệm sâu rộng về xây dựng chiến lược đầu tư, từ đó am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra ông còn có kỹ năng quản lý rủi ro và phân tích thị trường. 

Theo thông tin từ VietnamBiz, ông Sâm từng có thời gian làm việc tại Sở Công Nghiệp tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, ông Sâm còn từng là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (Mã: DIC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long.

Ngoài ông Lê Thái Sâm, Công ty CP tập đoàn Homeliday cho FLC vay tín chấp 185,2 tỷ đồng. Khoản vay này chỉ kéo dài đến hết 30/6, với lãi suất 12%/năm. Như vậy, hiện BIDV (chi nhánh Quy Nhơn và chi nhánh Quảng Bình) là đơn vị đang cho FLC vay nhiều nhất với tổng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng. Tiếp đến là ông Lê Thái Sâm cho vay 621 tỷ và Ngân hàng Quốc Dân (NCB) chi nhánh Hà Nội cho vay 581 tỷ đồng.