28.000 bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết nộp hồ sơ nhận lại tiền ở đâu?

Nga Chen 18:32 | 24/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Liên quan đến vụ án tại Tập đoàn FLC, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề nghị thi hành án để hoàn trả 1.786 tỉ đồng cho các nhà đầu tư. Các thủ tục được hướng dẫn cụ thể dành cho hơn 28.000 bị hại, đảm bảo quyền lợi và tránh tập trung đông người tại trụ sở.

Ngày 24/7, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội xác nhận đã tiếp nhận đầy đủ các bản án xét xử liên quan đến bị cáo Trịnh Văn Quyết (nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC) và các đồng phạm về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cùng cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán.

Dựa trên các bản án này, Cục Thi hành án đã phát hành thông báo rộng rãi tới các cá nhân được xác định là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có tên trong phụ lục số 1 và phụ lục số 3.1 kèm bản án, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ nhận lại tiền bồi thường.

Hồ sơ gồm: đơn yêu cầu thi hành án (theo mẫu), đơn đề nghị chuyển khoản (theo mẫu), bản sao giấy tờ tùy thân (thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân), giấy xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng và giấy ủy quyền nếu có. Các mẫu đơn, hướng dẫn chi tiết, cùng danh sách người được bồi thường đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự TP Hà Nội.

 Các bị cáo trong phiên phúc thẩm vụ án FLC. 

Với số lượng bị hại và người liên quan có yêu cầu bồi thường đặc biệt lớn (hơn 28.000 người), việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ được tổ chức qua hình thức gửi bưu điện nhằm tránh tập trung đông người, hạn chế quá tải tại trụ sở. Hồ sơ được gửi tới Bộ phận một cửa, Thi hành án dân sự TP Hà Nội, Tổ dân phố 13 Nhân Mỹ (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cũ), nay là phường Từ Liêm, TP Hà Nội. Những trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục có thể liên hệ hotline 0979.866.642 để được hỗ trợ thêm.

Văn bản hướng dẫn cũng chỉ rõ những người có tên tại phụ lục số 1 và phụ lục số 3.1 đính kèm bản án mới thuộc diện được nhận tiền bồi thường. Các nhà đầu tư khác hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng chưa có yêu cầu bồi thường vẫn có thể khởi kiện tại tòa án để giải quyết quyền lợi dân sự. Trường hợp nhà đầu tư đã bán cổ phiếu mã ROS cho người khác, việc hoàn trả giá trị bị nâng khống có thể do hai bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện dân sự nếu phát sinh tranh chấp.

Theo hồ sơ vụ án, sau 5 lần tăng vốn khống, nhóm ông Trịnh Văn Quyết đã niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS lên sàn HoSE và bán lần đầu cho 25.853 nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền 3.621 tỷ đồng. Quá trình giao dịch sau đó khiến cổ phiếu ROS được mua bán nhiều lần, với số lượng nhà đầu tư nắm giữ và giao dịch thay đổi liên tục. Đến ngày mã ROS bị hủy niêm yết (5/9/2022), có 63.075 nhà đầu tư (không bao gồm các bị cáo) đang sở hữu hơn 567 triệu cổ phiếu ROS.

Toàn bộ trình tự, hướng dẫn, mẫu đơn, danh sách người nhận bồi thường cùng các chi tiết thực hiện thủ tục đã được cập nhật chính thức trên website:https://thads.moj.gov.vn/hanoi của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để thuận tiện tra cứu và thực hiện.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết nhận mức án tổng cộng 21 năm tù, bao gồm 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài hình phạt tù, ông Quyết cùng em gái là bà Trịnh Minh Huế buộc phải liên đới bồi thường gần 2,6 tỷ đồng cho 133 bị hại và hơn 1.783 tỷ đồng cho 27.881 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường, tổng số tiền bồi thường gần 1.786 tỷ đồng.

Tại phiên phúc thẩm ngày 17/6, hai bị cáo đã nộp đủ số tiền bồi thường theo bản án. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã giảm hình phạt cho ông Quyết xuống còn 7 năm tù, tức giảm 14 năm so với bản án sơ thẩm. Số tiền khắc phục hậu quả mà ông Quyết đã nộp sẽ được dùng ưu tiên cho việc bồi thường thiệt hại; nếu còn dư sẽ chuyển sang thanh toán án phí và các nghĩa vụ tài chính khác, phần số dư tiếp tục (nếu có) sẽ được sung vào quỹ Nhà nước theo sự tự nguyện của bị cáo.