Tháo dỡ các chốt kiểm soát dịch ra, vào "vùng đỏ" tại Hà Nội
Lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các chốt đã tháo dỡ lều bạt, thu dọn quân trang, quân dụng, phương tiện... để chuyển về cơ quan, đơn vị.
Các lực lượng trực chốt gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Công an phụ trách địa bàn chuyển về trạng thái phục vụ chiến đấu và phòng chống dịch tại đơn vị. Các lực lượng phối hợp cùng như: Thanh tra giao thông, cán bộ y tế, cán bộ địa phương cũng trở về làm việc tại cơ quan.
Công an thành phố Hà Nội đánh giá, sau 13 ngày triển khai (từ 4/9), lực lượng thực thi nhiệm vụ tại 39 chốt với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, y tế, dân phòng, cán bộ địa phương... đã đóng góp một phần công sức chung tay cùng chính quyền và nhân dân Thủ đô kiểm soát phòng chống dịch và bước đầu đã có hiệu quả. Tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, dần đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Hiện tại, Công an thành phố Hà Nội vẫn duy trì 23 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào thành phố.
Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm, từ 11 giờ ngày 15/9 đến 11 giờ ngày 16/9, lực lượng thực thi nhiệm vụ tại 23 chốt ở các cửa ngõ Thủ đô đã kiểm soát 11.773 lượt phương tiện (trong đó có 28 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 14.152 lượt người qua chốt. Theo đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu 2.414 lượt phương tiện quay đầu (1.359 lượt phương tiện không cho vào thành phố, 1.055 lượt phương tiện không cho ra ngoài thành phố); xử lý vi phạm hành chính 7 trường hợp (ra đường không có lý do chính đáng).
Cũng trong thời gian nêu trên, lực lượng Công an Thủ đô đã phát hiện, lập hồ sơ, tham mưu chính quyền các cấp xử phạt hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch đối với 168 trường hợp. Trong đó, 7 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 161 trường hợp vi phạm khác (không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người, ra khỏi nhà khi không cần thiết và đeo khẩu trang không đúng quy cách...).
Trước đó, từ 7 giờ ngày 4/9, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thêm 39 chốt trực tại các tuyến đường ra, vào vùng 1 (vùng đỏ). Cụ thể, 21 chốt loại 1 của thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao do Công an thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện, cùng phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Sở Y tế. Ngoài ra, 9 chốt loại 2 đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình, do Công an quận, huyện chủ trì thực hiện.
Bên cạnh đó, 9 chốt loại 3 đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp do Công an xã, phường, thị trấn chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ của các chốt là kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện được vào, ra vùng 1; bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, phân luồng giao thông. Lực lượng chức năng cũng sẽ kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào vùng 1 và kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Trao đổi với báo chí sáng 16/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn cho biết sau khi thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân, Thanh niên đưa tin.
Cụ thể, ông cho biết người dân khi di chuyển trong các khu vực vùng xanh (19 quận, huyện, thị xã trong trạng thái bình thường mới theo đánh giá của Sở Y tế) sẽ không phải xuất trình giấy đi đường.
Tuy nhiên, ở vùng đỏ, người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ ra đường khi thật cần thiết.
Đối với vấn đề di chuyển xuyên vùng, ông Sơn nói: "Trong vùng xanh theo nguyên tắc được nới lỏng đi lại, nhưng trong trường hợp người dân đi sang vùng đỏ, đi xuyên các vùng thì mới tiến hành kiểm soát việc đi đường".
Trong khi đó, người dân ở vùng đỏ đi xuyên vùng phải có giấy đi đường theo quy định. "Nếu có giấy đi đường được cấp theo quy định thì có thể đi xuyên vùng, tuy nhiên, việc kiểm soát sẽ phải được thực hiện rất chặt chẽ", ông cho hay.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hà Nội thông tin, thời gian tới, thành phố sẽ giảm dần các chốt kiểm soát ở những khu vực không cần thiết, mà chỉ kiểm soát ở các khu vực giáp ranh vùng. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch.
Dự kiến trong ngày 16/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ họp và thảo luận chi tiết về các biện pháp nới lỏng sau ngày 15/9 và ngày 21/9.
Đối với vấn đề giao hàng của shipper tại những khu vực cho phép bán hàng mang về, ông Lê Hồng Sơn cho biết thành phố đã giao Sở Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể các đơn vị quản lý người giao hàng (shipper) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển hàng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho shipper hoạt động khi một số dịch vụ được cho phép trở lại.
"Tuy nhiên, shipper thì thuộc nhóm nguy cơ cao, nên vẫn phải áp dụng các điều kiện cụ thể để có thể hoạt động. Theo đó, họ phải có hai mũi tiêm vắc xin, được xét nghiệm thường xuyên và phải dưới sự quản lý trực tiếp của doanh nghiệp", ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu của người dân như mua đồ online, đồ ăn, uống mang về ở một số quận huyện được cho phép trở lại.
"Trước mắt là tạo cơ chế để shipper của doanh nghiệp được hoạt động, còn shipper tự do, hoặc shipper không có đầu mối thì phải từng bước. Sở Công Thương sẽ cấp giấy đi đường cho shipper đủ điều kiện được hoạt động", lãnh đạo Hà Nội nói.
Đối với shipper của một số ứng dụng giao hàng như Grab, Now..., lãnh đạo Hà Nội nói chưa thể cho phép quay lại hoạt động ngay. Vì đội ngũ shipper của ứng dụng rất lớn, mà hầu hết chưa được tiêm chủng đầy đủ nên nguy cơ vẫn rất cao.