Tháo gỡ nguồn vốn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế

Thúy Hiền 19:00 | 30/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/11, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Để thích ứng, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp phù hợp trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì hỗ trợ tăng trưởng, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều cơ chế kinh doanh linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, chung tay cùng cộng đồng thực hiện trách nhiệm xã hội với nhiều đóng góp thiết thực.

Bà Bùi Thuý Hằng cho biết, thời gian qua, tín dụng tăng nhanh nhưng cơ cấu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước hướng tới các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tài Chính.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2020. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,4% và lãi suất cho vay giảm 0,7%. Tính luỹ kế từ 23/01/2020 đến nay, đã có khoảng hơn 1 triệu khách hàng được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp với dư nợ đạt trên 7 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp góp phần khôi phục và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Cụ thể, đến ngày 25/10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, hiện số dư tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước khoảng 672,01 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, mức độ rủi ro của đại dịch còn rất lớn, những biện pháp đưa ra nếu không tính toán đến yếu tố dịch tễ thì rất khó. Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn các nước, trong khi chính sách tài khóa còn khiêm tốn.

“Do đó, chính sách tài khóa đóng vai trò lớn trong thời gian tới. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn”, ông Cường nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009. Nó đã làm tốc độ tăng trưởng tăng lên rất cao, kéo theo lạm phát. Nếu làm thì phải tính toán không gây "méo mó" lãi suất thị trường.

Với việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế thế giới năm 2022 tăng trưởng 4,9% nhưng giá cả hàng hóa cơ bản và lạm phát thế giới dự báo giữ ở mức cao do tác động từ thiếu hụt nguồn cung, bà Bùi Thuý Hằng cho rằng, điều này sẽ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đối mặt với không ít thách thức. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 3 mục tiêu về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2022.

Đó là Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm như tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh áp dụng các giao dịch “phi tiếp xúc” để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai toàn diện, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trọng tâm là tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô lẫn chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường thanh tra, giám sát, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Từ khóa: #vay vốn