Thay đổi mục tiêu chống dịch từ "Không có COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả

07:17 | 26/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước. Buổi làm việc có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về chiến lược chống dịch trong thời gian sắp tới.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. 

Quan điểm mới với mục tiêu vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng phát biểu rằng, sau gần 2 năm đối mặt với Covid-19, chúng ta đã hiểu hơn về virus, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP

Đầu tiên, khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình thì tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.

Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, thành phố Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ra ca mắc nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, tới từng hộ gia đình, từng thôn, ấp, khu dân cư, xét nghiệm thần tốc diện rộng theo địa bàn, đối tượng nguy cơ.

Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. 

Thủ tướng cũng chỉ ra công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch.

Thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời.

Hướng dẫn tạm thời linh hoạt kiểm soát dịch: 2 mục tiêu, 4 cấp độ đánh giá nguy cơ 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" tại cuộc họp và cho biết sắp được ban hành trong thời gian sắp tới.

Hướng dẫn nhắm tới mục tiêu  hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. 

Theo Bộ trưởng Y tế, chỉ số tiêm phòng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống dịch mới. Ảnh: VGP

Ông Long nêu 3 chỉ số bắt buộc gồm:

1. Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19;

2. 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng;

3. Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19.

Quy mô đánh giá mới về cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể áp dụng các cấp độ nhỏ hơn như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm và hơn nữa. Có 4 cấp độ đánh giá nguy cơ gồm: 

- Cấp 1 (nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh);

- Cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng);

- Cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam);

- Cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). 

Chỉ số bắt buộc là về tiêm chủng, không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine sẽ phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).

Về các biện pháp phòng dịch theo các cấp độ: mốc đánh giá cấp độ dịch hàng tuần và trong 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển cấp độ dịch và thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch trong vòng 72 giờ.

Bộ trưởng Y tế đưa ra một số biện pháp cụ thể áp dụng theo cấp độ dịch. 

Với chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, các biện pháp hành chính bao gồm hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; giao thông công cộng; lưu thông vận chuyển hàng hóa; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, các dịch vụ không thiết yếu; hoạt động giáo dục, đào tạo; hoạt động cơ quan, công sở; hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, phát động… 

Các biện pháp phòng chống dịch gồm đáp ứng của hệ thống y tế; giám sát; xét nghiệm; truy vết; cách ly y tế; tiêm chủng vaccine; điều trị và các biện pháp khác như thông tin truyền thông; an sinh xã hội; an ninh, an toàn, trật tự xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin…

Người dân được tiêu cầu tuân thủ các biện pháp về 5K; tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; đi lại; học tập; đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, phát động; các dịch vụ không thiết yếu; đi lại của người dân giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau. Đáng chú ý, hướng dẫn lần này có nội dung sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh theo yêu cầu của cơ quan y tế hoặc khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở...

Liên quan tới doanh nghiệp, hướng dẫn cho phép cơ sở kinh doanh, các khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất xét nghiệm COVID-19 cho người lao động ít nhất 7 ngày/lần (thay vì 3 ngày/lần như trước đây) đối với ít nhất 20% người lao động có nguy cơ cao.

"Các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm kết quả này" - ông Long nhấn mạnh. Đáng chú ý. hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; công trình giao thông, xây dựng; chợ đầu mối, chợ bán lẻ… đảm bảo phòng, chống dịch ở tất cả các cấp đều được phép hoạt động.

Về di chuyển, hướng dẫn cho biết: Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký được hoạt động có 2 điều kiện (tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc được xét nghiệm định kỳ).

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Long thì những ai di chuyển từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 2, cấp 1 được phép lại bình thường. Theo nguyên tắc, không được phép đến/về từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 4, trừ lý do đặc biệt và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.