Nghệ An: Ngành dệt may “chống chọi” với dịch COVID-19
Hiện, tỉnh Nghệ An có hơn 20 dự án may đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động, chủ yếu ở nông thôn. Ngoài ra, hơn 10 dự án khác trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tiến hành đầu tư mới hoặc mở rộng công suất.
Để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch, các doanh nghiệp chủ động trang bị cồn sát khuẩn, khẩu trang, test nhanh và xây dựng phương án làm việc, bố trí chỗ ăn, ở đảm bảo, đưa, đón công nhân…
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang vật lộn với nhiều khó khăn: thiếu hụt lao động, thiếu container xuất hàng, chi phí sản xuất tăng... ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhiều đơn hàng có nguy cơ không đảm bảo tiến độ đang là trăn trở của doanh nghiệp.
“Nhiều công nhân phải cách ly khiến công suất dây chuyền sản xuất không đạt; do một số địa phương phong tỏa, giãn cách phòng, chống dịch, kiểm soát xe vận chuyển chặt chẽ nên chi phí vận chuyển hàng đi, hàng về cũng tăng, mất nhiều thời gian”, ông Lê Xuân Bắc, Giám đốc một Công ty may tại khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết.
Cũng theo ông Bắc, khó khăn nhất hiện nay của công ty là thiếu hụt lao động và chi phí sản xuất đội lên cao. Thời điểm thành phố Vinh thực hiện Chỉ thị 16, duy trì các chốt phòng, chống dịch nên nhiều công nhân ở các huyện không vào được Khu công nghiệp Bắc Vinh để làm việc. Nhiều công nhân ở các xã trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và tỉnh Hà Tĩnh phải cách ly tại nhà.
Không dừng lại ở đó, dịch bệnh Covid-19 cũng làm cho chi phí logistics tăng cao; thiếu container xuất hàng, chi phí thuê container và vận tải biển tăng. Cũng theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc Công ty CP May Minh Anh Nghệ An: Do khan hiếm nên rất khó thuê container rỗng để đóng hàng. Hiện, doanh nghiệp đang thiếu khoảng 200 container loại 40 feet nên hơn 10 nghìn m3 hàng thành phẩm đang phải thuê kho bãi để đợi container gây chậm trễ việc giao hàng. Giá thuê container cũng bị đẩy lên, từ 1.200 USD lên 1.800 đến 2.000 USD/container. Các doanh nghiệp dệt may khác ở Nghệ An đều vướng phải những khó khăn này, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất, nhập hàng hoá.
Chẳng hạn, cước vận chuyển từ Cảng Hải Phòng đến châu Âu trước đây có giá khoảng 1.500 USD/container thì hiện đang ở mức 7.000 - 8.000 USD/container; từ Hải Phòng đi Mỹ trước dịch chưa tới 1.000 USD/container thì nay đã vượt 10.000 USD. Bên cạnh giá vận chuyển quá cao và rất khó để đặt chỗ trên tàu, thì cũng không có container rỗng để thuê, các hãng liên tục trì hoãn. Hiện nay doanh nghiệp phải xuất hàng sang Ai Cập nhưng không có container, tương tự container nhập nguyên liệu từ Singapore về cũng đang mắc.
Theo Bộ Công Thương, liên quan đến việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Thêm vào đó, lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng.
Để ứng phó, các hãng tàu cũng đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết tình trạng hàng ngàn container vô chủ ở cảng để "lấy nguồn" container rỗng cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chuỗi cung ứng về nguyên liệu dệt may không bị đứt gãy. Tín hiệu đáng mừng hiện nay ở các doanh nghiệp dệt may là đơn hàng dồi dào, sản xuất tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 139 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An đã ký kết được các đơn hàng đến cuối năm và cả năm sau.
Cùng chung khó khăn này, lãnh đạo Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cho biết, hiện nay số công nhân đứng máy chỉ đạt 1/3; một số công nhân vào công ty ở. Ngoài khó khăn do không đủ lao động đứng máy là vấn đề giá cước vận chuyển. Mỗi tháng doanh nghiệp chúng tôi cần khoảng 40 container đi - về nhưng hiện nay không có; Từ cuối năm 2020 đến nay, mức giá vận chuyển đã tăng lũy kế, thì nay giá cước vận chuyển container đường biển trên một số tuyến tiếp tục tăng ở mức kỷ lục.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên toàn cầu hiện nay, dù các đơn hàng dệt may đã quay trở lại, song để phát triển bền vững, vượt qua thách thức từ dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài giảm, giãn thuế phí, lãi suất ngân hàng… thì cần có chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng những chuỗi liên kết dệt may khép kín, từ đó, tăng năng lực cho doanh nghiệp trong nước, tăng số lượng và giá trị xuất khẩu, tăng lợi nhuận...
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nền của đại dịch Covid-19, nhưng với tốc độ đầu tư khá nhanh cùng hiệu ứng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đem lại nên ngành dệt may Nghệ An vẫn tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2020, với năng lực sản xuất đạt 60 triệu sản phẩm dệt kim và quần áo may sẵn, 20 nghìn tấn sợi, tỷ trọng ngành dệt may chiếm 8,2% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Bảy tháng đầu năm 2021, sản phẩm may mặc đạt 47,1 triệu USD, tăng 49,16% so với cùng kỳ… Dệt may đang dần trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Nghệ An, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động…
Theo Giám đốc sở Công thương Nghệ An Phạm Văn Hóa: Việc thực hiện EVFTA đã khiến thị trường xuất khẩu dệt may sẽ được mở rộng với nhiều ưu đãi. Nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên toàn cầu đang có diễn biến phức tạp, khó lường nên các Doanh nghiệp dệt may Nghệ An phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để tạo điều kiện cho ngành dệt may trụ vững, vượt qua đại dịch và phát triển bền vững, ngành công thương cũng như tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ, như: giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ người lao động,… theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Phối hợp chính quyền địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động; Phối hợp hải quan và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để Doanh nghiệp dệt may xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình phúc lợi như: nhà ở công nhân, trường mầm non, khu vui chơi, giải trí, mua sắm… cùng các vấn đề phúc lợi khác. Bố trí các dự án dệt may ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuận lợi về nguồn cung cấp lao động; giao thông; hạ tầng dịch vụ logistics.