Thị trường bán lẻ Việt Nam, cuộc chạy đua không cân sức
19:21 | 31/10/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thị trường bán lẻ Việt Nam từ lâu đã được các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đánh giá có nhiều triển vọng phát triển. Tuy nhiên, với việc hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại lớn như Aeon, Lotte… đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này. Đây là thách thức đối với các DN bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần trước sự tham gia của các thương hiệu ngoại.
Thương hiệu ngoại lấn át nội
Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua Trung tâm thương mại, siêu thị và 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, khối FDI còn chiếm 15% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua Internet, truyền hình, điện thoại…). Những DN lớn trong ngành bán lẻ thế giới đang có mặt trên thị trường Việt Nam như: Central Group, Lotte, Aeon, Emart… và họ đang không ngừng mở rộng mạng lưới khiến câu chuyện cạnh tranh “miếng bánh” bán lẻ ngày càng sôi động.
Đặc biệt, trong xếp hạng về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Tập đoàn tư vấn thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hằng năm, Việt Nam vẫn duy trì trong Top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới đối với giới đầu tư nước ngoài. Mặt khác, thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại vì quy mô thị trường hơn 90 triệu dân, trong đó khoảng 70% dân ở độ tuổi dưới 64; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh; thu nhập bình quân và nhu câu mua sắm hàng hóa của hộ gia đình cao.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian vừa qua những thương hiệu ngoại đã đẩy mạnh sự hiện diện của mình trong "cuộc đua" tranh giành thị trường bán lẻ của Việt Nam. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ trong những năm 2015, 2016, và 2017 đã liên tiếp xảy ra các cuộc sáp nhập và thôn tính của các DN bán lẻ ngoại đối với các DN nội. Đơn cử như vụ việc người Thái Lan “thôn tính” Metr và mua lại Big C…
Để tiến vào thị trường Việt Nam nhanh nhất, doanh nghiệp ngoại thường chọn phương án mua lại các hệ thống bán lẻ rồi đưa công nghệ vào khai thác kinh doanh. Đáng chú ý, khi tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều DN ngoại đã không ngần ngại đưa ra những chiến lược tìm hiểu rất kỹ thị hiếu, sở thích và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Do đó, có những cái tên chỉ vừa xuất hiện đã bỗng chốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhắc đến như Lotte, Aeon…
Hướng đi nào cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa
Từ khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam dưới hình thức lập cơ sở bán lẻ hoặc mua lại và sáp nhập…. Điều này tạo nên sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp Việt về vốn, mặt bằng; công ty mẹ là những đại gia bán lẻ toàn cầu, có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ uy tín, thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Trong tương lai, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ nội có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực.
Savills Việt Nam đánh giá, nếu làm một phép so sánh doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều sự khác biệt. Đặc điểm của các doanh nghiệp ngoại là sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng vì thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng.
Trong khi đó, Việt Nam với lợi thế về dân số trẻ, thị trường mới nổi, mảng bán lẻ có rất nhiều cơ hội cho các DN cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với làn sóng ngoại nhập hiện nay, các DN bán lẻ nội cần phải có sự đầu tư, nâng cao hơn nữa về năng lực quản trị cũng như khả năng nắm bắt thông tin thị trường.
Do đó, theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành bán lẻ, nếu không thay đổi, DN bán lẻ nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh. DN bán lẻ nội còn thua kém nhiều mặt như: Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi đến tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này. Mặt khác, Chính phủ cần tạo môi trường phát triển công bằng, lành mạnh cũng như kiểm soát các hoạt động, chất lượng hàng hóa trên mạng để người dùng yên tâm để thị trường phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thị trường thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu của cả thế giới