Thị trường bán lẻ tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại hiện đại

Mỹ Phương/TTXVN 14:17 | 18/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau thời gian dịch bệnh tác động mạnh mẽ lên sức mua trên thị trường bán lẻ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ có xu hướng tiếp tục đà phục hồi, nhất là sức cầu trong nước.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Với bối cảnh mới của thị trường, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch cải tạo hạ tầng thương mại cả trên kênh trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).  

Thống kê trong năm 2022 cho thấy, diện tích cho thuê thuần của ngành bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đạt hơn 1,5 triệu m2, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đưa ra dự báo, năm 2023 nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tại hệ thống trung tâm thương mại ở những đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu mở rộng liên tục của các thương hiệu.

Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại Emart 2 tại Gò Vấp và các tầng còn lại của Thiso Mall Sala tại Thủ Thiêm đã dời lịch khai trương sang năm nay. Còn một vài chủ đầu tư cũng đang có kế hoạch cải tạo và thay đổi cơ cấu khách thuê vào năm 2023 như Vivo City, Pandora City, Lotte Mart...

Tính đến nay, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phát triển hệ thống cửa hàng PNJ lên 364 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành. Theo đó, năm 2022 PNJ đã mở mới 33 cửa hàng và nâng cấp 31 cửa hàng PNJ Gold; mở mới 3 cửa hàng Style by PNJ và 2 cửa hàng PNJ Watch.

Đại diện PNJ chỉ ra rằng, tình hình kinh doanh có sự tăng trưởng đồng đều theo từng kênh, đến từ hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiệu quả. Cùng với đó, PNJ cũng có những chiến lược hàng hóa phù hợp và chương trình tiếp thị bán hàng đa kênh trên cả thị trường offline và online, linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng thị trường và nhóm khách hàng mục tiêu.

Theo một số chuyên gia, kỳ vọng năm 2023 được dựa trên nền tảng những điểm sáng như doanh thu bán lẻ hàng hóa của Tp. Hồ Chí Minh đạt 626 nghìn tỷ đồng, tăng 21% theo năm; ngành ăn uống tăng 7% theo năm...

So với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 1/2023 tăng 5,7%. Chính mức tăng trưởng của doanh thu bán lẻ đã đóng góp lớn cho công suất cho thuê tại Tp. Hồ Chí Minh trong năm nay.

Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các thương hiệu thuộc ngành hàng chăm sóc sức khỏe, thể thao và các hoạt động ngoài trời. Nhu cầu tìm mặt bằng từ những khách thuê trong và ngoài nước của những ngành hàng cũng có xu hướng gia tăng.

Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam Troy Griffiths phân tích, dịch COVID-19 còn làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, dần chuyển sang mua sắm online. Điều này cũng làm cho những người kinh doanh chuyển sang tiếp cận khách hàng trên mạng lưới sàn thương mại điện tử ngày một nhiều hơn.

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, cũng như tiếp cận khách hàng thân thiết lẫn tiềm năng. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử đã tạo động lực cho hàng loạt doanh nghiệp, nhà bán lẻ tích hợp và hình thành nên điểm giao nhau giữa phương thức bán hàng offline, online và dịch vụ logistics dẫn đến chiến lược đa kênh ngày càng phổ biến trên thị trường.

Với mô hình này, một chuỗi bán lẻ có thể hiện diện online, một số lượng nhỏ cửa hàng lớn và một số lượng lớn cửa hàng nhỏ được phân phối rộng rãi có chức năng như những trung tâm hoàn thiện đơn hàng, giao hàng cho khách hàng trực tiếp từ kho hàng.

Liên quan đến chiến lược bán hàng đa kênh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cũng cho hay, năm 2022 đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng; trong đó, mảng thương mại điện tử đã đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào doanh số chung.

Bước sang năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với năm 2022 trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, phát triển thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ …

Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam Phan Bình chia sẻ, là một đơn vị ra đời và phát triển tại thị trường Đông Nam Á, J&T Express sở hữu rất nhiều lợi thế, kinh nghiệm để tận dụng làn sóng tăng trưởng của thị trường. Tại Việt Nam, J&T Express đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành thương hiệu chuyển phát nhanh hàng đầu.

Vừa qua, J&T Express, chính thức ra mắt dịch vụ qua Zalo - ZNS (Zalo Notification Service) nhằm mang lại những trải nghiệm an toàn, nhanh chóng và tiện lợi cho người dùng. Đồng thời, dịch vụ này góp phần gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng, từ đó tạo cơ hội cho J&T Express nhanh chóng đưa ra những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ.

ZNS là dịch vụ nằm trong bộ giải pháp dành cho nhóm tài khoản Official Account (OA - trang kinh doanh chính thức của một doanh nghiệp, nhãn hàng, tổ chức và cộng đồng trên Zalo), nhằm gửi thông báo chăm sóc khách hàng thông qua nền tảng Zalo. Dịch vụ này, cũng giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý thao tác của shipper, gồm: hành trình giao hàng, nhận diện shipper…

Tương tự, nhiều đơn vị hoạt động trong ngành logistics cho rằng, châu Á nói chung hay Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng là mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics, cụ thể hơn là doanh nghiệp chuyển phát nhanh đón đầu xu hướng, xây dựng lợi thế cạnh tranh lâu dài và củng cố vị thế thị trường.

Những “người chơi” trong ngành sẽ cần phải đầu tư nghiêm túc cho công nghệ và hệ thống kho bãi, mở rộng số lượng bưu cục đồng thời kết nối các doanh nghiệp nhiều bên, tạo dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, lợi ích cho nhà kinh doanh và người tiêu dùng.