Thị trường BĐS năm 2021 - vẫn tăng trưởng dù một số phân khúc gặp trở ngại
Chuyên gia dự báo thị trường BĐS năm 2021 sẽ vẫn giữ được như mức năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường sẽ gặp nhiều trở ngại.
Những biến động thị trường do tác động dịch bệnh
Theo tapchitaichinh.vn, giá BĐS đã tăng khá cao trong năm 2020 do nguồn cung khan hiếm và một số "điểm nghẽn" pháp lý chưa được giải toả, vì vậy việc giảm giá trong năm 2021 là khó xảy ra.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản BĐS cả nước trong quý IV/2020 có sự hồi phục mạnh so với đáy suy giảm giai đoạn đầu năm, qua đó giúp ngành duy trì tăng trưởng dương cả năm 2020 trong bối cảnh toàn nền kinh tế tổn thương vì dịch Covid-19.
Mặc dù 3 quý đầu năm 2020, thị trường BĐS trầm lắng, lượng giao dịch giảm, nguồn cung thấp, nhưng thị trường đã tăng trưởng trở lại trong quý IV/2020. Giá BĐS nhà ở, công nghiệp đều tăng, có những khu vực tăng từ 10-15%, đã tạo ra sốt cục bộ ở một số địa phương.
Trong quý II và quý III/2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách… đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, khiến nguồn cung BĐS gia tăng không đáng kể.
Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS luôn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt
Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS luôn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, nên dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động đầu tư vẫn sôi động. Do đó, lượng hàng tồn kho tính đến hết quý III/2020 chỉ còn khoảng gần 6.000 căn nhà ở.
Sang đến quý IV/2020, thị trường BĐS được bổ sung thêm khoảng gần 30.000 căn nhà ở. Tuy nhiên, lượng giao dịch trong 3 tháng cuối năm 2020 khá tốt, nên lượng hàng tồn kho của riêng 3 tháng cuối năm chỉ khoảng gần 3.000 căn nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. BĐS tồn kho chủ yếu ở các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương…
Còn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và những địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh như Cần Thơ, Quảng Ninh, Long An, Đồng Nai… cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định của thị trường BĐS.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng BĐS trong năm 2020 vẫn có xu hướng tăng từ đầu năm đến cuối năm. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng BĐS là hơn 8.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng BĐS tăng lên gần 8.500 tỷ đồng. Đến hết quý III/2020, dư nợ tín dụng BĐS là gần 8.600 tỷ đồng và đến hết năm 2020 tăng lên đến hơn 8.800 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng BĐS tăng trong cả năm 2020, nhưng có giai đoạn tốc độ tăng bị giảm, chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý I/2020. Từ quý II đến hết năm 2020, thị trường có sự cải thiện về giao dịch, dư nợ tín dụng BĐS tăng trở lại, ổn định hơn.
Liệu giá BĐS có giảm trong năm 2021 hay không là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, qua đánh giá của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cho thấy, vẫn chưa có xu hướng giảm giá nhà. Đơn cử, giá chung cư bình dân ở Hà Nội hiện dao động từ 22-25 triệu đồng/m2 và rất khan hiếm hàng.
Thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội quý IV/2020, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,03%.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân tăng khoảng 0,85%. Đối với nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,26% so với quý II/2020. Cũng bởi do khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu cao, dẫn đến giá căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá nhà cao có nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn cung hạn chế. Không chỉ năm 2020 mà vài năm trở lại đây, nguồn cung cũng đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng khẳng định, giá nhà-đất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng trong quý III và IV/2020. Không chỉ giá tăng tại các dự án do các chủ đầu tư lớn xây dựng, mà giá nhà đất tại các làng xóm ven đô cũng tăng, bất chấp dịch.
Dự báo dư địa tăng mạnh của giá BĐS và đặc biệt là giá BĐS nghỉ dưỡng cao cấp tại những thị trường tiềm năng trong thời gian tới.
"Làng trên, xóm dưới nô nức người đi mua đất, bán đất. Chỉ ngày hôm trước, hôm sau mà vẫn mảnh đất đó có thể tăng từ 1,5-2 triệu đồng/m2, giá đất nhiều khu vực đã bị đẩy cao một cách bất thường. Đến nay, việc giảm giá là khó, bởi thủ tục pháp lý chưa được khai thông và nguồn cung chưa dồi dào, trong khi nhu cầu mua ở, mua đầu tư vẫn cao", ông Đính nói.
Một số chuyên gia BĐS khác cho rằng, trong bối cảnh tiền gửi ngân hàng dồi dào, lãi suất ngày càng thấp, nếu mua bất động sản một năm vẫn có lãi từ 10-15% thì nên đầu tư BĐS hơn gửi tiết kiệm. BĐS vừa là kênh trú ẩn an toàn, vừa đầu tư có lời. Do đó, giá BĐS năm 2021 giữ mức độ cân bằng của năm 2020 và có chiều hướng đi lên, giá tăng nhẹ, chứ khó có chuyện giảm giá.
Ông Nguyễn Trần Nam dự báo kịch bản nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam chưa được kiểm soát, thị trường BĐS năm 2021 sẽ vẫn giữ được như mức năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường sẽ gặp nhiều trở ngại.
Triển vọng tăng giá dồi dào
vietstock.vn trích dẫn nhận định của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn: Trong vòng 10 năm nữa, việc sở hữu được nhà tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ khó khăn không kém Thượng Hải, Bắc Kinh hiện nay.
“Giá nhà tại Thượng Hải liên tục tăng qua các năm, đắt đến mức "trúng xổ số mới mua nổi", điều tương tự cũng có thể diễn ra tại Việt Nam” ông Nguyễn Quốc Anh dự báo.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra, người Việt Nam thường có thói quen sở hữu BĐS làm “của để dành”, nên giá BĐS luôn tăng. “BĐS ở Việt Nam từ nhiều năm nay chưa bao giờ ngừng tăng giá trị. Hàng năm giá nhà, đất đều tăng từ 5 - 10%, tuỳ thuộc tính sinh lợi thường xuyên của BĐS”, ông Đính đánh giá.
Về dư địa của BĐS nghỉ dưỡng, ông Đính nhận định, khi Việt Nam đạt mục tiêu trở thành cường quốc du lịch, thì giá BĐS nghỉ dưỡng có thể sẽ ngang bằng giá quốc tế.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, với chủ trương đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu khách trong nước, mức tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm…chắc chắn nhu cầu về BĐS du lịch sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.
Thực tế, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam mới đạt khoảng 35%, thấp hơn nhiều tốc độ 50% của Thái Lan hay 70 - 80% của Hàn Quốc. Chính tiềm năng đô thị hóa lớn là bước đà quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của BĐS. Đồng thời, theo dự báo của Knight Frank, Việt Nam cũng đang nằm trong Top 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu trong 5 năm tới.
Tất cả những yếu tố này đang dự báo dư địa tăng mạnh của giá BĐS và đặc biệt là giá BĐS nghỉ dưỡng cao cấp tại những thị trường tiềm năng trong thời gian tới. Đặc biệt tại những thị trường mới sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào và đang bước vào chu kỳ tăng trưởng như Quảng Bình, Quy Nhơn…
Minh Hoa