Thị trường chứng khoán huy động hơn 400.000 tỷ đồng năm 2023

Đông Bắc 15:44 | 28/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán năm 2023 đạt gần 418.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022.

 Sáng nay (28/2), hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường  chứng khoán năm 2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp niêm yết, các quỹ, tổ chức quốc tế về việc nâng cao khả năng huy động vốn, khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường.

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm 2023, thị trường tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ khó khăn trong nước, thế giới, hoạt động huy động vốn qua thị trường vẫn có sự khởi sắc. Tổng giá trị huy động vốn đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Bà Phương cho biết, năm 2024 sẽ là thời điểm tạo dựng cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Ảnh VGP.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Để cùng chung tay, hỗ trợ sự phát triển của thị trường trong năm 2024 và thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.

Doanh nghiệp kiến nghị

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất tới Thủ tướng, và các bộ, cơ quan liên quan.

Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Vingroup - cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Vingroup đã tham gia thị trường từ rất sớm, sự phát triển của doanh nghiệp ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó thị trường chứng khoán đóng vai trò rất lớn.

 

  Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Vingroup. Ảnh VGP.

Trong 17 năm có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Quang nhận thấy Vingroup đã đạt được một số lợi ích, như quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn; huy động vốn; quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp được nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn… Năm 2024, Vingroup có kế hoạch huy động vốn thông qua kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong, ngoài nước.

Để thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, hoàn thiện hơn nữa, Vingroup đề xuất Chính phủ, cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng; rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành quy định về sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.

 Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Vingroup - cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Vingroup đã tham gia thị trường từ rất sớm, sự phát triển của doanh nghiệp ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó thị trường chứng khoán đóng vai trò rất lớn. 

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MB) - cho biết, MB tham gia  thị trường chứng khoán từ năm 2011, đến nay đã thu hút được nguồn vốn để phục vụ cho phát triển và tăng trưởng. Vốn hóa của MB thời điểm này đạt trên 120.000 tỷ đồng, có 150.000 nhà đầu tư làm cổ đông.

“MB đã triển khai nhiều phương án phát hành cổ phiếu và chi trả lợi tức hằng năm để bổ sung vốn và lưu quy mô vốn, đặc biệt tăng nguồn vốn kinh doanh cấp 2. Điều này rất quan trọng để MB có thể đáp ứng nguồn vốn để tăng trưởng”, ông Thái chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Thái, năm 2023, như báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị niêm yết tăng khoảng 56 nghìn tỷ còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp. Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường, ông Thái đề xuất phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động…

Chủ tịch MB cũng khuyến nghị cơ quan quản lý áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho doanh nghiệp niêm yết, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.

Kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho rằng, vấn đề quan trọng là chất lượng hàng hóa trong thị trường. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến để tìm kiếm lợi nhuận, cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.