Vì sao thị trường vàng, tỷ giá cùng nhịp tăng?

Diệp Anh - Hằng Trần (TTXVN) 13:53 | 28/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, giá vàng và tỷ giá VND/USD có nhiều biến động theo xu hướng tăng.

 Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Đặc biệt, sau thời điểm giá vàng cán mốc lịch sử trên 80,3 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2023, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng kiến giá vàng liên tục biến động. Trước diễn biến này, nhà quản lý tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có sự điều hành kịp thời.

Biến động thị trường vàng trước giờ sửa đổi chính sách

Thị trường vàng, khi mở cửa sau dịp Tết Dương lịch (2/1), giá vàng rơi xuống mức 73,5 triệu đồng/lượng, sau đó phục hồi về quanh 77,4 triệu đồng tại thời điểm 31/1. Bước sang tháng 2, trước và sau Tết Nguyên đán, giá vàng tăng trở lại vùng 78 triệu đồng/lượng. Và giá vàng đã phục hồi quanh mốc 79 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên xuống bấp bênh, lãi suất ngân hàng giảm sâu, giao dịch bất động sản chững lại, sẽ khó tránh khỏi việc dòng tiền chuyển dịch vào kênh sinh lời hấp dẫn hơn như vàng. Mặt khác, dịp cuối năm và đầu năm cũng là lúc nhu cầu mua sắm vàng tăng cao phục vụ lễ Tết, cưới hỏi, tích luỹ…

Bên cạnh đó, theo giới phân tích, thời điểm này, giá vàng trong nước đang hưởng lợi từ thông tin trên thị trường thế giới nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và nhu cầu mua lẻ tại các thị trường mới nổi. 

Theo báo cáo của Tổ chức Goldman Sachs Research, các ngân hàng trung ương vẫn đang tăng nắm giữ vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đã giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng) thời gian qua. Một phần nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị như xung đột giữa Nga - Ukraine và đại dịch.

Tổ chức này cũng dự báo hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ vẫn mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ vào việc đa dạng hóa dự trữ của các nền kinh tế mới nổi và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Tại thị trường trong nước, so với thời điểm đầu năm nay, giá vàng đã tăng 5,5 triệu đồng/lượng và hiện giữ mức chênh lệch khoảng 15 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Nói về mức chênh lệch này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã nhiều lần đề cập tới việc thị trường vàng trong nước và thế giới chưa có sự liên thông với nhau, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới.

Bên cạnh đó, "hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC nên nguồn cung từ kênh này không có. Nhu cầu vàng SJC ở thị trường đang cao nên chênh lệch càng khó thu hẹp nếu không có giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý”, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay.

Thực tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đang rất quan tâm đến việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, về tổng thể, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 11 năm và đã đến thời điểm cần thay đổi. Theo đó, cần sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường, từ đó, thiết lập cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thuyết, Phòng Kinh doanh, Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu hy vọng, việc sửa đổi Nghị định 24 sẽ đưa giá vàng trở về mức bình ổn, không còn chênh lệch nhiều với giá thế giới. Bởi, hiện theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng SJC. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát số lượng sản xuất, có thể làm ảnh hưởng tới giá vàng SJC do nhu cầu lớn và điều này đang đẩy giá lên cao. Trong khi vàng nhẫn vẫn có sự cung cầu trong nước nên sát với giá vàng thế giới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Cùng ngày, về phía Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Phó Thủ tướng Lê Minh khái cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2.

Tỷ giá có thể chững lại 6 tháng cuối năm

Ảnh minh họa: TTXVN

 

Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng lên bắt đầu từ đầu năm 2024 đến nay sau khi hạ nhiệt thời điểm cuối năm 2023. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực và các thành viên đến từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong tháng 1/2024, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng khi đồng USD trên thị trường quốc tế hồi phục (chỉ số DXY-Index tăng 2,07% trong tháng 1/2024) khi kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, từ đó làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất trong năm 2024. Cùng với đó, yếu tố mùa vụ khi nhu cầu thanh toán USD tăng cao dịp Tết; chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức âm sâu (trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần chênh lệch khoảng 5%) sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

Bước sang tháng 2, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng. Trong những qua, từ 15/2 (ngày giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) đến nay, tỷ giá  trung tâm và tại các ngân hàng thương mại ghi nhận đà tăng của đồng USD. Cụ thể, ngày 28/2, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.003 VND/USD, tăng 47 đồng so với ngày 15/2. Cùng thời điểm này, tại BIDV giá USD niêm yết ở mức 24.485 - 24.795 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 1.170 đồng ở chiều mua vào và tăng 170 đồng ở chiều bán ra. Tại Vietcombank, giá USD niêm yết ở mức 24.430 - 24.800 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 230 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Theo Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc tỷ giá tăng cao thời gian sau Tết Nguyên đán không phải là điều lạ và được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, xuất nhập khẩu là nguyên nhân đầu tiên tác động đến tỷ giá. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu trong tháng 1/2024 tăng lên, việc này cũng làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, từ đó đẩy tỷ giá tăng. Tiếp theo yếu tố đầu cơ cũng góp phần vào việc tăng tỷ giá. Khi những nhà đầu cơ nhận thấy thấy tỷ giá có xu hướng tăng sẽ tìm cách mua ngoại tệ, nhất là trên thị trường tự do.

Việc Fed chưa cho biết khi nào sẽ giảm lãi suất- cũng là yếu tố làm tăng giá trị đồng USD. Hiện chỉ số USD-Index đang ở 103.97 điểm (ngày 26/02/2024) vẫn giữ ở mức cao, làm tăng giá trị đồng USD, từ đó đẩy tỷ giá tăng theo.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, nếu tăng, sẽ khoảng 3%. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. Bởi nếu Fed giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay.

Về phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2023 tỷ giá USD/VND tăng khoảng 1,23%, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại tăng hơn 3% so với VND. Đây là mức biến động tương đối ổn định dù giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã có lúc tăng hơn 4% so với VND.

Do đó, năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.