Thị trường chứng khoán năm 2021 tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế

14:33 | 05/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.

"Vận hội mới" của thị trường chứng khoán

Ngày 4/1/2021, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tới dự và đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2021.
 
 
Thị trường chứng khoán năm 2021 tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế - ảnh 1
 Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2021
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, thành công của thị trường chứng khoán năm 2020 đến từ nhiều yếu tố, trong đó, ghi nhận sự kiên định của ngành chứng khoán trong việc giữ thị trường hoạt động thông suốt, không ngừng nghỉ ngay cả khi xã hôi phải áp dụng biện pháp giãn cách để chống lại đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn nhà đầu tư đại chúng, đã bền bỉ giữ thị trường, góp sức tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều chỉ tiêu đánh giá của năm 2020.
 
"Có thể nói thành công trong phòng chống dịch bệnh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế dương và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt của Bộ Tài chính là những yếu tố nền tảng tạo nên một năm thành công ngoài mong đợi của Thị trường Chứng khoán Việt Nam", Bộ trưởng đánh giá.
 
Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam được ghi nhận là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh đều tăng mạnh về quy mô vốn hoá, về thanh khoản.
 
Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 84,3% GDP, quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP (mục tiêu đề ra tương ứng là 70% GDP và 30% GDP), thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho các doanh nghiệp và nền tinh tế. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.
 
Tờ Lao động liệt kê các nhóm cổ phiếu ngành “ngon ăn” năm 2020. Theo đó, thị trường chứng khoán trong phiên kết năm 2020 ngày 31.12 tiếp tục gọi tên các cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán. Tháng 12 chính là tháng của nhóm mã ngành này khi HCM, SSI, SHS, VND… tăng mạnh nhiều phiên liên tục, hầu hết đã đưa mức giá tăng lên gấp đôi so với thời điểm đáy của thị trường vào tháng 3.2020.
 
Không tăng nhiều như nhóm mã cổ phiếu chứng khoán nhưng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng lại có nhiều đợt sóng tăng trong những tháng qua. Một số mã tăng giá điển hình của nhóm này là TCB, VPB, HDB, MBB, EIB (ngoại trừ các mã như VCB, BID, CTG), mức tăng ít nhất cũng từ 30% và tăng mạnh nhất có thể lên tới trên 70%.
 
Ngành phân phối và bán lẻ cũng được gọi tên trong năm 2020 với các đại diện là MWG, FRT, DGW, PET. Đây là một trong những nhóm ngành tăng mạnh không ngờ. PET tăng từ đáy tháng 3 đến kết thúc năm 2020 mức giá cao gấp 2,5 lần; MWG tăng gấp khoảng 2 lần; “khủng” nhất là DGW tăng giá gấp gần 4 lần; ít ỏi như FRT chủ yếu tăng mạnh trong tháng 12.2020 cũng cao hơn thời điểm đáy khoảng 3 lần.
 
Nhóm mã ngành có nhiều đợt sóng tăng và cũng được các nhà đầu tư quan tâm lướt sóng nhiều nhất là bất động sản khu công nghiệp. Cùng với đó là nhóm ngành thực phẩm với điển hình là MSN, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11.2020 đã tăng mạnh liên tục đưa mức giá mã này lên cao gần gấp đôi. Kết năm, giá MSN tăng gấp đôi so với dạo tháng 3.2020.
 
Nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng với 2 điển hình là cổ phiếu thép HPG và HSG cũng mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận, khi HPG tăng gấp khoảng 2,5 lần so với thời điểm đáy còn HSG tăng gấp hơn 4 lần.
 
Ngoài ra, còn có các nhóm cổ phiếu ngành dệt may, hóa chất, dược phẩm, được hưởng lợi từ sự phục hồi dần của nền kinh tế và hiệp định quốc tế Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực.
 

Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

 

Năm 2021, trước nguy cơ tác động của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán có thể vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc-xin phòng Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng chống đại dịch và tiềm năng vị thế sẵn có, Bộ trưởng đặt niềm tin, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang đứng trước những vận hội mới.
 
 
Thị trường chứng khoán năm 2021 tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế - ảnh 2
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới.
 
 
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 khai mạc trong vài ngày tới sẽ thông qua những văn kiện quan trọng như Chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ ban hành các kế hoạch, giải pháp thực thi hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Cũng từ đầu năm nay, Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư đồng bộ hơn, minh bạch hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán bền vững.
 
Với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với Luật Chứng khoán đã được ban hành và những giải pháp thiết thực trên đây, người đứng đầu ngành tài chính tin rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.
Lợi thế cụ thể của thị trường chứng khoán Việt so với các thị trường trong khu vực mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2021: "So với các nước Malaysia, Indonesia, thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư vì họ có thể sinh lời tại thị trường bởi vì Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp đã di chuyển nhà máy sang mảnh đất này", ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) khẳng định.
 
Trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tập trung nỗ lực tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu trọng tâm.
 
Đó là tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của luật chứng khoán, luật đầu tư và luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành huy động vốn, bảo vệ quyền của Nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.
 
Đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới và hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.Trên cơ sở đó sẽ triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên Thị trường Chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho Thị trường Chứng khoán, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới.
 
Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
 
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển Thị trường Chứng khoán – thị trường vốn về dài hạn.
 
Với các lợi thế trên, tờ Lao động nhận định: Các nhóm ngành đã tăng khá mạnh và mạnh trong năm 2020 đa phần được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, tuy nhiên sẽ có từng mức độ khác nhau tùy thuộc vào triển vọng kết quả kinh doanh và lợi nhuận.
 
Bất động sản khu công nghiệp và ngân hàng là 2 ngành đầu tiên được gọi tên trong năm 2021 trước làn sóng đầu tư chuyển dịch sang Việt Nam và triển vọng lợi nhuận khả quan của nhiều ngân hàng qui mô lớn và vừa tại Việt Nam.
 
Khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi với các dự án đầu tư công cũng như khu vực ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất trở lại, cổ phiếu ngành thép và vật liệu xây dựng cũng tiếp tục hứa hẹn tăng giá.
 
Theo một chuyên gia thị trường chứng khoán thuộc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cổ phiếu những ngành có thể dẫn dắt thị trường năm 2021 là bất động sản, khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, bên cạnh đó là nhóm ngành được hưởng lợi từ các hiệp định quốc tế như dệt may, thủy sản và logistics (vận chuyển, kho bãi…).
 
Thực phẩm, bán lẻ, dược, hóa chất, chứng khoán… có thể vẫn là những ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 nhưng khó mà có được mức tăng giá như giai đoạn từ tháng 4-12.2020. Hoặc, các nhóm mã ngành sẽ phân hóa, một số cổ phiếu sẽ tăng khá mạnh nhưng một số khác có thể tăng vừa phải, hoặc chậm.
 
Thị trường chứng khoán với hầu hết các cổ phiếu đã có một số lần thiết lập mặt bằng giá mới. Vì thế, năm 2021 khó có khả năng cổ phiếu “ngon ăn” xuất hiện trên diện rộnTiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán trong năm 2021
Trong năm 2021, theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường có hiệu suất sinh lợi tốt nhất, với dự phóng ROE tăng lên mức 15,7%, tức là mức cao nhất kể từ năm 2014.
 
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc thị trường tăng nhanh sẽ kích thích việc sử dụng margin của nhà đầu tư cá nhân (hiện đang chiếm đông đảo trên thị trường) làm rủi ro thị trường lên cao.
 
Ngoài ra, việc gần đây Mỹ gán cho Việt Nam là “thao túng tiền tệ” sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam và ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường.
Giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc và chọn lọc kĩ càng khi một số cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.
 
Minh Hoa