'Thị trường gấu': Bài học từ lịch sử và lời khuyên từ giới chuyên gia

Lê Thị Xuân Phương 12:26 | 15/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
S&P 500 đang rơi vào trong chu kỳ 'thị trường gấu' với mức tụt hơn 20% từ đỉnh hồi tháng 1 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao hơn khiến các nhà đầu tư lo ngại. 

Quan ngại suy thoái bao phủ tâm lý đầu tư, S&P 500 rơi vào "thị trường gấu"

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu sẽ mạnh tay tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát dai dẳng sau. Không còn đường lùi cho FED, bởi số liệu chính thức cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 qua đã tăng vọt 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng kỷ lục trong 41 năm.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa lên cao. Những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, càng gây sức ép lên triển vọng kinh tế toàn và gián đoạn nguồn cung.

Tháng trước, FED đã cảnh báo sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất 0,5% trong những kỳ họp chính sách tiền tệ sắp tới. Nhưng thị trường giờ còn bi quan hơn thế, nhiều nhà phân tích dự báo FED có thể sẽ nâng lãi suất 0,75% ngay tại kỳ họp diễn ra trong hai ngày 14-15/6. 

Mối lo ngại các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ và liên tục của ngân hàng trung ương Mỹ đã nhấn chìm các thị trường trong sắc đỏ. Trên thị trường chứng khoán, làn sóng bán tháo cổ phiếu còn được thúc đẩy bởi nỗi lo sợ một cuộc suy thoái kinh tế cận kề. 

 

Thị trường gấu là một thuật ngữ được Phố Wall sử dụng khi một chỉ số như S&P 500, Dow Jones Industrial Average, hoặc thậm chí một cổ phiếu riêng lẻ, đã giảm 20% trở lên so với mức cao gần đây trong một khoảng thời gian duy trì.

Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA, lý giải rằng sở dĩ gọi là "Thị trường gấu" là vì hình ảnh gấu ngủ đông đại diện cho một thị trường đang trong đà sụt giảm. Ngược lại với thị trường gấu là thị trường bò tót, tức môi trường mà các chỉ số chính tăng mạnh.

S&P 500, một trong những chỉ số chính về "sức khỏe" của Phố Wall, đã giảm 3,9% hôm thứ Hai 13/6, sau đó tiếp đà giảm trong phiên 14/6 và hiện thấp hơn 22,2% so với mức kỷ lục được thiết lập vào đầu năm nay. Theo định nghĩa kỹ thuật, S&P 500 đã chính thức bước vào lãnh thổ "thị trường gấu" từ 13/6. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite, vốn đã ở trong thị trường gấu, cũng giảm gần 5% từ đầu tuần.

Thị trường gấu gần nhất của S&P 500 kéo dài từ 19/2/2020 đến ngày 23/3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Chỉ số này đã giảm 34% trong khoảng thời gian một tháng đó và đây là thời gian thị trường gấu ngắn nhất từ ​​trước đến nay.

Kẻ thù số một của thị trường chứng khoán là lãi suất, vốn đang đứng trước nguy cơ tăng nhanh do cuộc chiến chống lại lạm phát của FED. Sau thời gian dài duy trì chính sách tiền lệ lỏng lẻo với mức lãi suất cơ bản tiệm cận 0%, ngân hàng trung ương Mỹ đã buộc phải mạnh tay trung hòa nhanh chóng chính sách tiền tệ nới lỏng khi lạm phát lên đỉnh và dai dẳng.

Nhiều nhà phân tích lo ngại lộ trình siết chính sách tiền tệ mạnh tay của FED có thể gây ra suy thoái nếu tăng lãi suất quá cao hoặc quá nhanh. Tâm lý quan ngại phủ bóng thị trường là nguyên nhân chính gây ra đà bán tháo trong những phiên vừa qua.

Ngay cả khi FED có thể thực hiện được nhiệm vụ kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái, điều mà Chủ tịch FED Jerome Powell gọi là một cú hạ cánh mềm; lãi suất cao hơn vẫn gây áp lực sụt giảm với giá cổ phiếu bởi chi phí vay tăng lên, nhất là các cổ phiếu tăng trưởng công nghệ vốn đã được hưởng lợi lớn trong môi trường lãi suất thấp trước đây.

Năm ngoái, các cổ phiếu công nghệ lớn và các cổ phiếu hưởng lợi từ đại dịch đã trở thành những cổ phiếu giá trị nhất, là trụ đỡ cho thị trường. Nhưng hiện tại, khi FED thay đổi lập trường chính sách tiền tệ, chính các cổ phiếu này lại chịu sức ép nhiều nhất khi tỷ giá tăng. Nỗi đau đang lan rộng đến với các cổ phiếu bán lẻ, bởi lạm phát dai dẳng báo hiệu nguy cơ kéo theo sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.

Thị trường trái phiếu cũng đang trong chuỗi ngày hỗn loạn. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có thời điểm đã tăng cao hơn lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Các nhà phân tích cho biết, sự đảo chiều của lợi suất ngắn hạn và dài hạn là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế gần kề.

Đầu tư dài hạn, tìm cơ hội lợi nhuận trong lòng "thị trường gấu"

Theo Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA, từ sau Thế chiến II cho thấy bình quân các lần rơi vào thị trường gấu, S&P 500 đã mất 13 tháng để đi từ đỉnh cao đến đáy và 27 tháng để quay trở lại mức hòa vốn. Chỉ số này đã giảm trung bình 33% trong các thị trường gấu trong thời gian đó; với mức sụt giảm lớn nhất là 57% xảy ra trong thị trường gấu 2007-2009. Lịch sử cũng cho thấy rằng một chỉ số rơi vào thị trường gấu càng nhanh thì xu hướng giảm càng nông. 

Nhiều chuyên gia khuyên rằng nhà đầu tư nên chấp nhận những biến động trong ngắn hạn để kỳ vọng lợi nhuận mạnh mẽ trong dài hạn nếu không cần tiền mặt ngay bây giờ. Đầu tư dài hạn đồng nghĩa nhà đầu tư chỉ nên đổ tiền vào cổ phiếu nếu khoản tiền đó không cần thiết trong vài năm.

Bán phá giá cổ phiếu có thể ngăn tài sản tiếp tục sụt giảm ngay lúc này, nhưng cũng chặn các cơ hội có được lợi nhuận tiềm năng. Trong quá khứ, nhiều phiên giao dịch tích cực nhất của Phố Wall đã xảy ra trong lòng thị trường gấu. Chẳng hạn giai đoạn 2007-2009, có phiên S&P 500 tăng khoảng 11% hay năm 2020, S&P 500 có thời điểm nhảy vọt hơn 9% ngay sau khi thị trường gấu kéo dài khoảng 1 tháng kết thúc.

Trong lịch sử, S&P 500 từng hồi phục từ thị trường gấu để tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Đơn cử, thị trường chứng khoán đã đi xuống kinh hoàng sau khi bong bóng dot-com vỡ hồi những năm 2000. Nhưng sau đó, cổ phiếu có thể lấy lại mức cao nhất trong vòng một vài năm sau đó.