Thị trường lao động khu vực FDI: Còn nhiều bất cập
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, cách đây 50 năm, Hàn Quốc cũng đi vào chiến lược dựa vào khu vực FDI nhưng Hàn Quốc đã cất cánh còn Việt Nam thì hiện vẫn “lẹt đẹt”. Việt Nam mong chờ FDI tạo đà cho phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động (NSLĐ). Tuy nhiên, năng suất lao động ngày càng thấp dần và hiện đang rất thấp.
Bà Hương cũng cho rằng, lúc đầu, FDI là khu vực sáng về vấn đề tiền lương, nhưng hiện nay, nếu chia tỉ lệ thu nhập bình quân thì khu vực nhà nước đã vượt lên. Lao động càng ngày càng bị rẻ hóa do kỹ năng không tốt, năng suất không cao.
Phân tích đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ từ dịch chuyển lao động và do năng lực của từng khu vực cho thấy, đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ của khu vực FDI phần lớn từ dịch chuyển lao động (chiếm tới 64% bình quân năm, giai đoạn 2006-2016), còn đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ do năng lực của chính khu vực này chiếm tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều (36%).
Đáng chú ý, đóng góp của FDI vào tăng trưởng NSLĐ chủ yếu do thu hút lao động từ những khu vực có mức lao động tuyệt đối thấp sang làm việc hơn là đóng góp từ việc cải thiện năng lực sản xuất của chính khu vực FDI.
“Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ tìm kiếm các nguồn nhân lực rẻ. Nhưng nguồn nhân lực rẻ cũng không còn nữa, bởi vì đã là nguồn nhân lực rẻ thì năng suất lao động phải cao. Như vậy, chiến lược tìm kiếm các nguồn nhân lực rẻ đã không thành công”, bà Hương khẳng định.
Liên kết trước-sau khó thực hiện
Điều đáng tiếc mà PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương đưa ra là các doanh nghiệp FDI mới chỉ liên kết trong giới FDI. Việc thực hiện các liên kết trước và liên kết sau vẫn được xem là rất khó. Điều này được minh chứng rất rõ ở việc đào tạo nguồn lao động.
Theo nghiên cứu PCI (năm 2010, 2016), có tới 40% doanh nghiệp FDI nói là không cần lao động kỹ năng vì họ sẽ tự đào tạo nguồn lao động, cho dù số tiền tự đào tạo tiêu tốn 8% tổng chi phí kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.
Chỉ có 18% doanh nghiệp FDI cảm nhận tích cực về chất lượng giáo dục lao động phổ thông tại Việt Nam và 12% doanh nghiệp FDI có liên kết với cơ sở đào tạo của Việt Nam, trong khi, ở Việt Nam hiện nay có tới 2.000 cơ sở đào tạo nghề (1.000 trường từ trung cấp trở lên).
“Một hệ thống rất hùng mạnh (doanh nghiệp FDI) và một hệ thống đang rất đói (các cơ sở đào tạo nghề) không liên kết được với nhau. Đào tạo chính quy ở các trung tâm đào tạo tốt hơn rất nhiều đào tạo trong doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không sử dụng, tức là các doanh nghiệp mới chỉ nhìn đào tạo công cụ “kiếm cơm” chứ không phải làm chuyển đổi thị trường lao động tại Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương phân tích.
Nếu liên kết tốt, sẽ không có tình trạng lãng phí 8% tổng doanh thu của doanh nghiệp FDI dành cho chi phí đào tạo. Chi phí này được cộng thêm vào lương cho người lao động sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thất nghiệp do thiếu phẩm chất mềm
Đó là chưa kể đến vấn đề lao động nữ tại khu vực FDI, cho dù đang được sử dụng rất đông đảo (chiếm hơn 70%), nhưng không phải chỉ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với họ (khi đã 35 tuổi) mà chính họ là những người từ bỏ doanh nghiệp trước (để đi xây dựng gia đình).
Luật pháp của Việt Nam chưa linh hoạt
Khu vực FDI sử dụng nhiều lao động, nhưng đáng tiếc là luật pháp của chúng ta không linh hoạt, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương nhận định.
Sự không linh hoạt này đang gây khó khăn cho nhà tuyển dụng, cho thời gian tăng ca của người lao động cũng như những khó khăn trong sa thải lao động. Điều này cũng có thể làm tăng thất nghiệp, đặc biệt trong nhóm lao động mới vào thị trường lao động và trong nhóm thanh niên.
Cũng theo bà Hương, luật pháp của Việt Nam quy định tỉ lệ giữa tiền lương tối thiểu và NSLĐ còn cao (kinh nghiệm các nước chỉ bằng 1/3, trong khi ở Việt Nam thì bằng 2/3). Nhiều chi phí khác doanh nghiệp vẫn phải “cõng”, bao gồm phí công đoạn.
Những bất cập trên đã khiến thu nhập của người lao động không cao, dẫn đến các cuộc đình công của công nhân ngày càng nhiều.
Hơn thế, chất lượng lao động kém còn khiến các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam chỉ để đầu tư vào những dự án sử dụng nhiều lao động, để thu hút lượng lao động rẻ mạt, mà không có nhiều sự gia tăng về công nghệ, xã hội.
“Mục tiêu thu hút những dự án FDI công nghệ cao, hướng tới trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 của Chính phủ cần phải xem lại”, bà Hương khuyến nghị.