Thị trường logistics Việt Nam `ăn theo` nhờ thị trường thương mại điện tử

08:52 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics và chuyển phát chất lượng.
Tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 35 % 1 năm, các doanh nghiệp chuyển phát tăng trưởng từ 62% - 200 %, dự kiến tăng trưởng từ 5 tỉ USD lên 10 tỉ USD trong vòng 4 năm tới.

Doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước với mức tăng trưởng hơn 30% mỗi năm. Nếu tính theo báo cáo của ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP, thị trường logistics dành cho thương mại điện tử Việt Nam có quy mô khoảng 560 triệu đô la Mỹ.

Năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đạt 44,8 triệu người, tăng so với mức 39,9 triệu người của năm 2018. Giá trị mua sắm cũng tăng lên 225 USD/người so với mức 160 USD/người hồi năm 2015. Việt Nam có mức tăng trưởng thương mại điện tử đứng ở top 3 của Đông Nam Á.
 

Logistics đón đầu phát triển thương mại điện tử


Thời gian qua, đã chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam với việc vươn lên top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Trên thị trường này, Việt Nam chỉ xếp sau những “ông lớn” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức.

Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong nền kinh tế số đã định hình lại các ngành nghề, lĩnh vực với cách thức quản trị mới, tập trung vào trải nghiệm khách hàng một cách trọn vẹn từ cung ứng đến giao hàng, thanh toán. Thị phần thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng tận nơi dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu khi việc mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua mạng đang trở thành xu hướng.

Thị trường logistics Việt Nam `ăn theo` nhờ thị trường thương mại điện tử - ảnh 1

Bộ Công Thương cũng đang kỳ vọng năm 2020, thương mại điện tử sẽ cán mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ. Lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh khiến nhu cầu dịch vụ logistics cho thương mại điện tử tăng cao và trên thực tế đang vượt quá khả năng đáp ứng. Theo dự báo của Công ty Giao Hàng Nhanh, số lượng đơn hàng tăng trưởng ở mức trung bình 45% giai đoạn 2015-2020 và có thể đạt tới 530 triệu đơn hàng vào năm 2020, với giá trị dịch vụ giao hàng đạt 472 triệu USD.

các công ty thương mại điện tử lớn đều đang xây dựng hệ sinh thái của mình, trong đó logistics là một trụ cột quan trọng. Điển hình, LEL Express - công ty giao nhận trực thuộc Tập Đoàn Lazada đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động thứ hai với diện tích gần 1 ha, được đặt tại Trung tâm Logistics Hateco, Khu Công Nghiệp Sài Đồng B, Long Biên, Hà Nội. Hệ thống tại Hà Nội với công suất lên tới 10.000 sản phẩm/giờ được kì vọng sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa của Hà Nội trong khoảng 2 năm tới.

Logistics cho thương mại điện tử Việt Nam đang nằm trong tay ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm các công ty chuyên thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp lớn trong nước như Vietnam Post, Viettel Post, GHN cũng như các doanh nghiệp logistics nước ngoài như DHL, FedEx, TNT. Còn lại là các tên tuổi mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, như GD Express, BEST Inc, J&T Express, Ninja Van...

Trong nhóm thứ ba, năm 2019 GD Express (Malaysia) công bố rót gần 3,3 triệu đô la để sở hữu 50% công ty chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cùng năm, BEST Inc (Trung Quốc) cũng ra mắt thị trường Việt. BEST Inc. Vietnam đã đầu tư vào VNC Post – một đơn vị chuyển phát nhanh chuyên nghiệp và là đối tác của các sàn thương mại điện tử và vận chuyển Home Shopping hàng đầu Việt Nam.

Ninja Van chính thức tham gia thị trường ở Việt Nam vào năm 2018. Thành lập năm 2014 tại Singapore, Ninja Van nhận được hơn 100 triệu đô la Mỹ đầu tư và hoạt động tại 6 quốc gia Đông Nam Á gồm: Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Gia nhập thị trường sớm hơn từ năm 2017, J&T Express (Indonesia) định hình là doanh nghiệp chuyển phát nhanh dựa trên nền tảng công nghệ và Internet. J&T Express đã xây dựng mạng lưới hơn 700 bưu cục trải dài khắp Việt Nam chỉ trong vòng một năm gia nhập. Kể từ ngày 13/6/2019 J&T Express đạt ngưỡng hơn 100.000 đơn hàng mỗi ngày. Ngoài ra, J&T Express phủ mạng lưới đến 7 thị trường khu vực Đông Nam Á.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ đô la/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tăng trưởng 35%/ năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ đô la vào năm 2020.

Nhìn chung, chất lượng dịch vụ logistics tại Việt Nam đang có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực trong vài năm trở lại đây. Trong đó, cơ sở hạ tầng về thương mại - giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin cũng như chất lượng dịch vụ logistics đến từ khu vực tư nhân đang được cải thiện nhanh chóng, rõ rệt.


Logistics Và Thương Mại Điện Tử bắt tay cùng phát triển


Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thương mại điện tử sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới. Logistics cho thương mại điện tử cũng theo đà đó đi lên, tuy nhiên, ngành này ở Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức cần nhanh chóng hóa giải. Đầu tiên là áp lực dịch vụ tốt hơn và chi phí thấp hơn. Theo một nhà cung cấp dịch vụ, riêng với thương mại điện tử, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% doanh thu - một tỷ lệ rất cao so với các ngành nghề thương mại truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí logistics cho thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang cao …

Thị trường logistics Việt Nam `ăn theo` nhờ thị trường thương mại điện tử - ảnh 2

Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa hàng không là phương tiện chủ lực trong thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, tại TP HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhưng chỉ có 2 ga hàng hóa hàng không và không có nơi nào được quy hoạch cho dịch vụ hàng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cho thương mại điện tử phải thuê các địa điểm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vốn nằm xen lẫn với doanh trại quân đội hay khu dân cư, đường giao thông kết nối rất khó khăn, chia sẻ nhau hoặc tận dụng những khoảnh diện tích 2.000 - 3.000m2. Tại Nội Bài và Hà Nội, dù có không gian rộng lớn hơn so với TP.Hồ Chí Minh nhưng cũng chưa có khu vực quy hoạch dài hạn cho hàng hóa thương mại điện tử.

Đồng thời, phương tiện vận chuyển không đa dạng, thiếu và giá thành cao. Chủ yếu các nhà vận tải đang giao hàng bằng xe máy có sức chứa nhỏ, trong khi hiệu quả của xe tải không cao do chi phí đầu tư và vận hành đều cao. Trong khi đó, các dịch vụ hỗ trợ logistics cho thương mại điện tử còn yếu và thiếu, dịch vụ cho thuê phương tiện chuyển phát hàng hóa, phát triển phương tiện vận chuyển đặc thù còn chưa phát triển. Việt Nam cũng sử dụng tiền mặt nhiều nhất so với những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn tới rủi ro cho nhân viên giao nhận khi phải mang theo lượng tiền mặt lớn.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử với những chi tiết cụ thể như hóa đơn chứng từ hàng hóa đi đường, các quy định quản lý giao thông; tạo điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ tự động, phát triển các phương tiện “xanh” phù hợp với EC-logistics; tạo điều kiện và hỗ trợ đểthanh toán điện tử được triển khai rộng rãi tại Việt Nam, hạn chế giao dịch tiền mặt; tạo “sân chơi” để các doanh nghiệp kết nối với nhau, cùng hỗ trợ nhau phát triển…

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp logistics Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cần phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tận dụng đòn bẩy phát triển thương mại điện tử để bứt phá.

Đến nay, Bộ Công thương đã cấp phép cho hơn 230 doanh nghiệp dịch vụ giao nhận chuyển phát nhanh được nhượng quyền tại Việt Nam. Đây là các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, nền tảng công nghệ mạnh, dữ liệu khách hàng lớn và đang đóng góp cho thị trường giao nhận, phát chuyển nhanh tại Việt Nam phát triển bùng nổ. 

Điều này đang tạo ra một làn sóng cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực giao nhận, phát chuyển nhanh với hai đối tượng: một là doanh nghiệp chuyển phát tư nhân, giảm giá dịch vụ bằng mọi cách và lựa chọn tập trung phục vụ giao hàng tại các thành phố lớn; hai là các doanh nghiệp nước ngoài vừa đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao nhận chuyển phát, vừa vận hành kho chứa, phương tiện vận tải, logistics…. nhằm phục vụ cùng lúc nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, từ năm 2020 các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh sẽ nhanh chóng đáp ứng kịp với nhu cầu thị trường Việt Nam. Thậm chí còn khai thác tốt hơn tiềm năng trong lĩnh vực này, bởi vẫn còn khu vực thị trường nông thôn, nơi thương mại điện tử chưa phổ biến.


Nguyễn Dung(t/h)