Thị trường M&A: Cơ hội lớn để kinh tế Việt Nam phát triển
13:14 | 23/07/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường mua bán sát nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Nhưng sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Nhằm phân tích, đánh giá các cơ hội và thách thức cũng như thảo luận sâu những yếu tố cần thay đổi để tạo nên sự bứt phá cho hoạt động M&A trong năm 2019 và các năm tiếp theo, ngày 23/7, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019) dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.
Phát biểu tại họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết: Trong 10 năm qua, kể từ khi tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên vào năm 2009, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.
Theo các thống kê chưa đầy đủ, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các DN Việt Nam. Đáng chú ý nhất là thương vụ KEB HANA Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV ngày 22/7. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Trong đó, SK Group đến từ Hàn Quốc thành cổ đông lớn của Vingroup sau thương vụ tỷ USD mới đây không chỉ là động lực thúc đẩy thị trường M&A bước sang một giai đoạn mới, mà còn được kỳ vọng sẽ là “điểm tựa”, sức bật để khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn.
Trong bối cảnh những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới dự kiến lần đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
Song để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, khơi thông dòng vốn trong nước và quốc tế chảy vào lĩnh vực M&A.
Ngoài ra, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Ban Tổ chức Diễn đàn M&A đã chọn chủ đề “Thay đổi để bứt phá” cho năm 2019 với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo bước ngoặt mới trong chu kỳ mới của thị trường M&A. Qua các nội dung của diễn đàn sẽ phân tích, đánh giá các cơ hội và thách thức cũng như thảo luận sâu những yếu tố cần thay đổi để tạo nên sự bứt phá cho hoạt động M&A trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Với chủ đề này, Diễn đàn M&A 2019 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM, TPHCM vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
Chia sẻ thêm về thị trường M&A, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP ước đạt 6,76%. Con số này tuy thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước, nhưng cao hơn mức tăng trưởng của 6 tháng các năm từ 2011-2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng GDP của nhiều nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, thì đây vẫn là một mức tăng trưởng khá. Việt Nam vẫn thuộc top đầu các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2019.
Không chỉ là tăng trưởng GDP, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì và tiếp nối được đà tăng trưởng và phát triển tích cực của năm 2018, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tiếp tục gia tăng, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm nay là năm đầu tiên, Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được ban hành đồng thời với Nghị quyết số 01/NQ-CP về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.
Bên cạnh đó, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA, IPA Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được ký kết cũng đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài.
Cùng với các hiệp định này, việc Việt Nam đã và sẽ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh thuế quan Á-Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand... cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá.
Thứ trưởng Võ Thành Thống cũng nhắc lại, tại Diễn đàn M&A lần thứ 10 năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trên thế giới, M&A là hoạt động bình thường và diễn ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; nhưng với nền kinh tế Việt Nam, là hoạt động vô cùng quan trọng, mở ra cơ hội thu hút vốn FDI, FII, tạo điều kiện cho hoạt động doanh nghiệp và góp phần vào quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực, như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.