Thị trường trái phiếu chính phủ: Sôi động nhưng nhiều thách thức trong năm “đỉnh nợ”

11:16 | 08/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường trái phiếu chính phủ sôi động cả sơ cấp và thứ cấp trong tháng đầu tiên của năm 2021, tuy nhiên, thị trường này còn nhiều thách thức trong năm “đỉnh nợ”.
 
Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục có diễn biến sôi động ngay từ thời điểm đầu năm 2021 trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
 
Theo đó, trên thị trường sơ cấp, thông qua 12 đợt đấu thầu được tổ chức trong tháng 1, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 23.496 tỷ đồng trái phiếu. Tỷ lệ trúng thầu thành công đạt 90,36% và khối lượng đặt thầu gấp 2,99 lần khối lượng gọi thầu.
 
 
 
Thị trường trái phiếu chính phủ: Sôi động nhưng nhiều thách thức trong năm “đỉnh nợ” - ảnh 1
 
 
 
Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ theo kỳ hạn trong tháng 1/2021
 
Về mặt lãi suất, so với tháng 12/2020, lãi suất trúng thầu của trái phiếu chính phủ giảm tại các kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm với mức giảm từ 0,11 - 0,15%/năm.
 
Trên thị trường giao dịch thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ bình quân trong tháng 1/2020 đạt 15.174 tỷ đồng/phiên, tăng 8,16% so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.
 
Khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 1,82 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt 202,1 nghìn tỷ đồng, giảm 5,42% về giá trị so với tháng trước.
 
Khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 957,7 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 101,3 nghìn tỷ đồng, giảm 6,97% về giá trị so với tháng trước. Giá trị giao dịch repos chiếm 33,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
 
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị mua đạt hơn 8,75 nghìn tỷ đồng, giá trị bán đạt hơn 5,93 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tháng 1/2021 nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,8 nghìn tỷ đồng.
Trước sự sôi động này, trong quý I năm 2021, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách Trung ương năm 2021.
 
Cụ thể, kỳ hạn 5 năm là 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 35.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 35.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 10.000 tỷ đồng.
 
Trong thời gian thực hiện, Kho bạc Nhà nước có thể điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách Nhà nước.
 
Theo số liệu mới nhất từ Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 20/1, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành là 16.000 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2021 đạt 16 đến 17 năm, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2021 là 2,49%/năm.
Kho bạc Nhà nước phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2021 do Bộ Tài chính giao, đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và nợ công theo hướng đảm bảo an toàn bền vững nền tài chính quốc gia.
 
Cùng với đó sẽ gắn kết chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, giữa quản lý nợ, quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nợ công.
 
 
 
 Thị trường trái phiếu chính phủ: Sôi động nhưng nhiều thách thức trong năm “đỉnh nợ” - ảnh 2
Kho bạc Nhà nước cũng đặt mục tiêu phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu
 

Kho bạc Nhà nước cũng đặt mục tiêu phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu, phù hợp với các nhu cầu đầu tư và tạo lãi suất tham chiếu cho thị trường.
 
Đồng thời thực hiện tái cơ cấu nợ công (mua lại, hoán đổi trái phiếu chính phủ) theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thí điểm phát hành các loại trái phiếu mới (trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi...) theo tiến độ triển khai của Bộ Tài chính.
 
Thách thức khá nhãn tiền
 
Theo baochinhphu.vn, thị trường trái phiếu Chính phủ trong năm “đỉnh nợ” 2021 đối mặt với một số thách thức khá nhãn tiền.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2020 vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế mang tính chất cố hữu như cơ cấu đầu tư trên thị trường còn chưa đa dạng, NHTM vẫn là chủ thể giao dịch chính trên thị trường với tỷ trọng chiếm khoảng hơn 80%, hay quy mô thị trường còn tương đối nhỏ so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc (63%), Malaysia (62%), Hàn Quốc (49%), Singapore (41%), Thái Lan (40%).
 
 
Ngoài ra, hình dạng của đường cong lãi suất cũng cho thấy sự bất cập nhất định trong cấu trúc của thị trường thị trường trái phiếu Chính phủ. Do sự chênh lệch lớn về mặt nguồn cung của các dải kỳ hạn ngắn (từ 7 năm trở xuống) so với các dải kỳ hạn dài hơn (từ 10 năm trở lên), đường cong lãi suất đã trở nên dốc một cách bất thường ở khoảng 7 - 10 năm và mặt bằng lãi suất của các kỳ hạn 1 - 7 năm dường như cũng thấp hơn so với mức hợp lý. Điều này sẽ khiến ý nghĩa kinh tế của đường cong lãi suất bị yếu đi.
 
Đặt trong bối cảnh hậu COVID với các đặc điểm mới, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu thị trường thị trường trái phiếu Chính phủ có thể duy trì được diễn biến sôi động vốn đã được thiết lập trong suốt 5 năm gần đây hay không. Chắc chắn sẽ khó có được một câu trả lời trọn vẹn nhưng chúng tôi kỳ vọng đà phát triển của thị trường sẽ được duy trì trong năm 2021 dù con đường nhiều khả năng sẽ gập ghềnh hơn.
 
Thứ nhất, 2021 là "đỉnh nợ" của Việt Nam với tổng mức đáo hạn thị trường trái phiếu Chính phủ lên đến hơn 160 nghìn tỷ đồng (chỉ tính riêng phần phát hành ra công chúng, chưa bao gồm phần phát hành riêng lẻ). Cộng với dự toán thâm hụt NSNN đang đưa ra mức khoảng 344 nghìn tỷ đồng, KBNN có thể phải tăng quy mô phát hành so với năm 2020 (ước tính khoảng 350 nghìn tỷ đồng) để đảm bảo cân đối NSNN.
 
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM – nhà đầu tư chủ lực trên thị trường thị trường trái phiếu Chính phủ – dự kiến tiếp đà phục hồi với mức tăng trưởng lên khoảng 12-14%, khiến cho mức độ êm đềm, bình lặng của thanh khoản VND có thể giảm bớt.
 
Thứ ba, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2020 và dường như không còn nhiều dư địa để giảm thêm khi đặt trong tương quan so sánh với lạm phát - biến số có tương quan chặt chẽ với lãi suất trái phiếu Chính phủ về mặt học thuật. Lãi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ cũng được nhiều định chế tài chính dự báo sẽ bật tăng thêm khoảng 20 điểm trong năm tới, kỳ hạn 10 năm lên khoảng 1,2%/năm. Môi trường lãi suất này sẽ kém thuận lợi hơn so với giai đoạn lãi suất đi xuống với đặc thù của thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam.
 
Minh Hoa